Rối loạn giấc ngủ là tình trạng khó ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ ít, ngủ thức giấc,… Theo ước tính, có khoảng 35% dân số trên toàn thế giới bị chứng rối loạn giấc ngủ. Hiện nay, rối loạn giấc ngủ không chỉ gặp ở người cao tuổi mà ngày càng xuất hiện nhiều ở giới trẻ do tình trạng áp lực trong công việc, cuộc sống.
Triệu chứng rối loạn giấc ngủ
Một số triệu chứng rối loạn giấc ngủ thường gặp có thể kể đến như:
- Khó đi vào giấc ngủ, thường xuyên phải mất hơn 30 phút mới đi vào giấc ngủ
- Thường thức dậy vào giữa đêm và không thể ngủ lại
- Tỉnh giâc quá sớm vào buổi sáng
- Ngáy, thở hổn hển hoặc nghẹt thở xảy ra trong khi ngủ
- Cảm giác kiến bò hoặc ngứa ran ở tay hoặc chân
- Cảm giác như không thể di chuyển lúc thức dậy
- Cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày, hay ngủ trưa hoặc ngủ quên khi đang làm các công việc thường ngày
- Khó tập trung hoặc chú ý
- Thay đổi tâm trạng như khó chịu và khó quản lý cảm xúc
- Suy giảm hiệu suất trong quá trình học tập hoặc làm việc
- Thường xuyên bị tai nạn hoặc té ngã
6 loại rối loạn giấc ngủ phổ biến
Trong các loại rối loạn giấc ngủ, dưới đây là 6 dạng bệnh phổ biến nhất:
- Mất ngủ: khó vào giấc hoặc thức cả đêm. Đây là chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất
- Ngưng thở khi ngủ: đặc trưng bởi sự ngừng thở trong khi ngủ. Đây là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng khiến cơ thể hấp thụ ít oxy hơn
- Hội chứng chân không yên (Restless Leg Syndrome – RLS): cảm giác ngứa ran hoặc châm chích ở chân, cùng với sự thôi thúc mạnh mẽ muốn di chuyển chúng khi cố gắng chìm vào giấc ngủ
- Chứng ngủ rũ: một tình trạng đặc trưng bởi buồn ngủ cực độ vào ban ngày và ngủ thiếp đi đột ngột vào ban ngày
- Rối loạn nhịp sinh học ngày đêm: không thể ngủ và thức dậy đúng giờ
- Bệnh mất ngủ giả: hành động theo những cách bất thường trước khi đi vào giấc ngủ hoặc trong giấc ngủ, chẳng hạn như mộng du, nói chuyện hoặc rên rỉ,…
Trong đó, phổ biến nhất trong số đó là chứng mất ngủ, ngưng thở khi ngủ và chứng ngủ rũ.
Nguyên nhân gây bệnh
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra căn bệnh rối loạn giấc ngủ, có thể kể đến các nguyên nhân chính sau:
- Đang có các tình trạng bệnh lý: như bệnh tim mạch, dị ứng, cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp trên, hen suyễn, bệnh dạ dày, đau mạn tính, bệnh lý thần kinh…
- Đi tiểu thường xuyên: do uống nhiều nước trước khi ngủ gây ra tình trạng tiểu đêm làm gián đoạn giấc ngủ
- Căng thẳng và lo lắng: Hầu như tất cả những người mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm đều khó ngủ và khó duy trì giấc ngủ
- Do thuốc: Một số loại thuốc điều trị bệnh như thuốc chống động kinh, thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế giao cảm, thuốc lợi tiểu, nhóm steroid, thuốc hưng phấn thần kinh có thể gây ra tác dụng phụ làm rối loạn giấc ngủ
- Di truyền: đặc biệt là chứng ngủ rũ
Ngoài ra còn các yếu tố khác cũng làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, như:
- Thường xuyên làm việc ca đêm
- Hội chứng jet lag: là một rối loạn giấc ngủ tạm thời có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai di chuyển nhanh chóng qua nhiều múi giờ
- Thói quen sinh hoạt không lành mạnh, thường xuyên dùng thuốc lá, cà phê và rượu bia, sử dụng các chất kích thích, sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính trước khi đi ngủ, ăn quá no, thường xuyên thức khuya, ít vận động
Hậu quả nếu không chữa trị kịp thời
Giấc ngủ giúp não bạn hoạt động tốt. Ngủ không đủ giấc hoặc chất lượng giấc ngủ kém tiềm ẩn rất nhiều hậu quả. Ảnh hưởng rõ ràng nhất là dễ mệt mỏi và giảm năng lượng vào ban ngày, khó chịu, cáu gắt với người xung quanh và khó tập trung làm việc, học tập; từ đó có thể dẫn đến tai nạn xe cộ, tai nạn nghề nghiệp, giảm hiệu suất công việc, các vấn đề về trí nhớ và các mối quan hệ căng thẳng
Vấn đề về giấc ngủ thường tồn tại cùng với các triệu chứng trầm cảm hoặc lo âu. Các vấn đề về giấc ngủ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng trầm cảm hoặc lo lắng, và trầm cảm hoặc lo lắng có thể dẫn đến các vấn đề về giấc ngủ. Ngoài ra, rối loạn giấc ngủ còn tăng nguy cơ mắc một số bệnh hoặc làm nặng thêm bệnh đang mắc
Rối loạn giấc ngủ theo Y học cổ truyền
Theo Y học cổ truyền, rối loạn giấc ngủ thuộc phạm trù chứng Thất miên (mất ngủ), Bất mị, Bất đắc mị.
Cơ chế gây bệnh chủ yếu do giấc ngủ bị ảnh hưởng bởi khí huyết và ngũ tạng, nếu khí huyết trong cơ thể con người hài hòa, thông suốt thì giấc ngủ sẽ diễn ra bình thường, ngược lại nếu suy nghĩ quá mức, bệnh tật trầm trọng, tuổi già và thể chất suy nhược, chế độ ăn uống không đúng cách và các nguyên nhân khác khiến cho khí huyết, âm dương trong cơ thể mất cân bằng sẽ gây mất ngủ.
Mất ngủ kéo dài có thể gây rối loạn chức năng ngũ tạng, khí huyết suy giảm, hình thành một vòng luẩn quẩn, dẫn đến lão hóa sớm hoặc bệnh lý
Các thể bệnh theo Y học cổ truyền
Can hỏa nhiễu Tâm: khó vào giấc ngủ, ngủ mớ nhiều, thậm chí cả đêm không ngủ được, nóng nảy dễ cáu giận, đầy tức ngực sườn…
Vị khí bất hòa: Mất ngủ kèm theo đầy tức vùng vị quản, đầy bụng, ợ hơi…
Đàm nhiệt nhiễu Tâm: tâm phiền mất ngủ, mơ nhiều, dễ thức giấc, tức ngực nghẹn ngực…
Âm hư hỏa vượng: mất ngủ, tâm phiền, chóng mặt ù tai, hay quên, nhức mỏi lưng…
Tâm Đởm khí hư: mất ngủ, mơ nhiều, dễ giật mình tỉnh giấc, khó ngủ một mình…
Tâm Tỳ lưỡng hư: tim hồi hộp hay quên, hoặc mơ nhiều dễ thức giấc, sau khi tỉnh khó vào lại giấc, ăn uống kém, đầy bụng, khó tiêu…
Điều trị rối loạn giấc ngủ bằng Y học cổ truyền
Y học cổ truyền điều trị rối loạn giấc ngủ bằng cách kết hợp nhiều phương pháp truyền thống để tạo ra hiệu quả tốt nhất cho người bệnh.
Thuốc Đông y: tùy vào thể bệnh khác nhau mà sử dụng bài thuốc cho phù hợp:
Can hỏa nhiễu Tâm: Long đởm tả can thang gia giảm
Vị khí bất hòa: Bảo hòa hoàn
Đàm nhiệt nhiễu Tâm: Ôn đởm thang gia giảm
Âm hư hỏa vượng: Hoàng liên a giao thang gia giảm
Tâm Đởm khí hư: An thần định chí hoàn gia giảm
Tâm Tỳ lưỡng hư: Quy tỳ thang
Châm cứu điều trị rối loạn giấc ngủ: Châm cứu thường dùng các huyệt sau để điều trị chứng rối loạn giấc ngủ: Bách hội, Nội quan, Thần môn, Tam âm giao, Tâm du, Thận du, An miên 1, An miên 2,…
Xoa bóp – bấm huyệt: có tác dụng thư giãn gân cốt, giúp khí huyết lưu thông, điều hòa âm dương, giúp dễ đi vào giấc ngủ
Tập luyện: Các động tác thư giãn, thở 4 thời: có tác dụng luyện ức chế thần kinh chủ động (thư giãn); cân bằng quá trình hưng phấn và ức chế (thở 4 thời).