Xuất huyết não (1 dạng của đột quỵ não) có tỉ lệ tử vong cao hơn so với nhồi máu não. Việc nhận biết các triệu chứng để điều trị kịp thời sẽ làm giảm các biến chứng nguy hiểm của bệnh này.

ĐỘT QUỴ XUẤT HUYẾT NÃO LÀ GÌ?

Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là sự xảy ra đột ngột các thiếu sót chức năng thần kinh, thường là khu trú hơn lan tỏa, tồn tại 24h hoặc gây tử vong trong vòng 24h. Các khám xét loại trừ nguyên nhân do chấn thương sọ não.

Đột quỵ não có nguy cơ tử vong cao, là nguyên nhân tử vong đứng thứ hai trên thế giới. Gánh nặng bệnh tật do đột quỵ não gây ra đang là một vấn đề nghiêm trọng với 50% bệnh nhân đột quỵ bị tàn tật, ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống và kinh tế không chỉ bệnh nhân mà cả gia đình bệnh nhân.

Ở Việt Nam, hàng năm có hơn 200,000 ca đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ tăng nhanh theo tuổi, tăng gấp đôi sau mỗi 10 năm sau tuổi 55. Đáng chú ý, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ ngày càng tăng. Độ tuổi trung niên và thanh niên chiếm 30% với người trẻ là 10-15%. Mỗi năm tỉ lệ người trẻ bị đột quỵ tăng thêm khoảng 2%, trong đó nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Đột quỵ não có hai dạng lâm sàng: đột quỵ thiếu máu não (nhồi máu não) và đột quỵ xuất huyết não (xuất huyết não). Xuất huyết não là tình trạng do vỡ mạch máu não làm chảy máu vào nhu mô não, khoang dưới nhện hay não thất. Tỷ lệ xuất huyết não chiếm khoảng 20% trường hợp đột quỵ não, tuy nhiên tỷ lệ tử vong cao hơn nhồi máu não. Có 3 dạng xuất huyết não là xuất huyết khoang dưới nhện, xuất huyết nội sọ và xuất huyết não thất. Xuất huyết nội sọ chiếm 80% các trường hợp đột quỵ do xuất huyết và 10-15% các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ tử vong trong trường hợp xuất huyết nội sọ cao (40% sau 1 tháng và 54% sau 1 năm) và chỉ 12% đến 39% số người sống sót có thể đạt được sự độc lập chức năng lâu dài.

TRIỆU CHỨNG XUẤT HUYẾT NÃO

Khi tiếp cận một bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ não cần xác định các yếu tố sau:

  • Đột quỵ não hay không?
  • Xuất huyết não hay nhồi máu não?
  • Nếu xuất huyết não thì xuất huyết ở đâu, nguyên nhân là gì?

Triệu chứng xuất huyết não khởi phát đột ngột, tiến triển nhanh với liệt nửa người, tê, mất hoặc giảm cảm giác nửa người, liệt mặt (méo miệng), đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn thị giác (mất thị giác, nhìn đôi), rối loạn ý thức-hôn mê (xuất huyết diện rộng, hoặc vùng thân não, tiểu não,…).

Trên lâm sàng cần phân biệt triệu chứng đột quỵ xuất huyết não và nhồi máu não vì hướng xử trí hai trường hợp này khác nhau. Khi thăm khám, một số dấu hiệu định hướng đột quỵ xuất huyết não như là: đau dữ dội, đột ngột (20% nhồi máu não: đau mức độ nhẹ, thoáng qua), nôn ói, tăng huyết áp nhiều, rối loạn ý thức hay hôn mê, có dấu màng não.

Triệu chứng lâm sàng đôi khi không rõ ràng và khó phân biệt do đó cần làm cận lâm sàng để chẩn đoán phân biệt xuất huyết não và nhồi máu não. Cận lâm sàng thường sử dụng là CT scan sọ não và MRI sọ não để phát hiện hình ảnh xuất huyết não trong giai đoạn khởi phát. CT scan sọ não có độ nhạy cao và được xem là tiêu chuẩn vàng của chẩn đoán xuất huyết não.  Ngoài ra, các xét nghiệm máu và sinh hóa được thực hiện để đánh giá tổng trạng và tình trạng đông máu của bệnh nhân.

Xuất huyết não do bệnh lý mạch máu nhỏ liên quan tăng huyết áp xảy ra chủ yếu ở các động mạch nhỏ xuyên, sâu, với cùng cơ chế thoái hóa lipohyalin và xơ vữa tiểu động mạch như nhồi máu não lỗ khuyết. Do đó, bốn vị trí điển hình của xuất huyết não do nguyên nhân này là nhân bèo, đồi thị, tiểu não và cầu não bên cạnh vị trí không điển hình là xuất huyết não thùy.

NGUYÊN NHÂN GÂY XUẤT HUYẾT NÃO

Về nguyên nhân, xuất huyết não chia thành 2 loại: nguyên phát và thứ phát.

Xuất huyết não nguyên phát: do căn nguyên của bệnh lý mạch máu nhỏ. Do quá trình tăng huyết áp kéo dài hoặc sự lắng đọng vi tinh bột (amyloid) vào thành mạch máu gây nên tình trạng vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não.

Xuất huyết não thứ phát: các căn nguyên dị dạng mạch máu (phình mạch, thông động-tĩnh mạch, rò động-tĩnh mạch màng cứng, dị dạng mạch thể hang), chuyển dạng chảy máu sau nhồi máu, bệnh lý đông máu, các khối u,…

Ở người trung niên và lớn tuổi, tăng huyết áp là nguyên nhân chính. Người giá nguyên nhân có thể là thoái hóa dạng bột, u não. Ở người trẻ, nguyên nhân chủ yếu là dị dạng động-tĩnh mạch, phình mạch, rối loạn đông máu.

Nguy cơ đột quỵ xuất huyết não tăng lên khi có một trong các yếu tố sau:

  • Tăng huyết áp.
  • Rối loạn lipid máu.
  • Sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc chống đông máu, thuốc kích thích giao cảm.
  • Bệnh mạch máu não amyloid, bệnh thận mạn.
  • Tuổi già, nam, dân tộc châu Á.
  • Hút thuốc lá, nghiện rượu, nghiện ma túy (cocaine, heroin).

XUẤT HUYẾT NÃO VÀ Y HỌC CỔ TRUYỀN

Xuất huyết não theo Y học cổ truyền

Không có bệnh danh Y học cổ truyền tương ứng với đột quỵ xuất huyết não. Y học cổ truyền mô tả triệu chứng đột quỵ não chung bằng các chứng trúng phong, huyễn vựng, chứng nuy, bán thân bất toại, khẩu nhãn oa tà, thất ngôn, ma mộc,… Hai chứng được mô tả nhiều nhất là trúng phong và bán thân bất toại.

Nguyên nhân trúng phong do ngoại phong và nội phong:

  • Ngoại phong: chính khí suy, vệ khí suy yếu, phong tà thừa cơ xâm nhập kinh mạch làm khí huyết ứ trệ.
  • Nội phong sinh ra do đàm thấp hoặc Can Thận âm hư. Ăn uống không điều độ, lo nghĩ quá độ, uống rượu bia nhiều gây tổn thương Tỳ sinh ra đàm thấp, đàm tích lâu ngày hóa hỏa, hỏa động sinh phong. Hoặc người già Thận tinh hư tổn làm Can âm hư không tìm được đường dẫn đến Can dương vượng, Can hỏa vượng sinh phong.

Thể bệnh lâm sàng được chia thành trúng phong kinh lạc, trúng phong Tạng Phủ phụ thuộc vào biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng, vị trí bệnh. Y học cổ truyền thường tiếp cận bệnh nhân đột quỵ não sau giai đoạn cấp. Do đó các thể bệnh lâm sàng thường gặp là Can Thận âm hư, Thận âm dương lưỡng hư, đàm thấp, khí hư huyết ứ.

Điều trị bằng Y học cổ truyền

Không dùng thuốc

Kỹ thuật châm cứu bổ tả và phương huyệt sẽ phụ thuộc bệnh cảnh lâm sàng của người bệnh.

Với triệu chứng bán thân bất toại, y học cổ truyền sử dụng châm cứu theo đường kinh Dương minh ở tay và chân (đa Khí đa Huyết). Nếu kèm theo liệt mặt, thêm huyệt Đầu duy, Dương bạch, Ngư yêu, Ty trúc không, Thái dương, Quyền liêu, Địa thương, Giáp xa bên liệt và Hợp cốc bên đối diện. Các huyệt điều trị triệu chứng và nguyên nhân sẽ thay đổi sao cho phù hợp với tình trạng mỗi bệnh nhân.

Ngoài ra nên kết hợp với điện châm và các phương pháp phục hồi chức năng vận động (tập vận động, điện xung, sóng ngắn, siêu âm, điện từ trường…) để phục hồi vận động và điều trị các hậu quả của trúng phong gây ra (kiên bối thống, thất miên,…).

Dùng thuốc

Từng thể bệnh khác nhau sẽ có phép trị khác nhau, từ đó đưa ra các bài thuốc, phương huyệt phù hợp. Như là:

Thể Can Thận âm hư có hoặc không Can dương vượng:

  • Phép trị: tư âm, bổ Can Thận hoặc tư âm, ghìm dương.
  • Bài thuốc: Lục vị quy thược (Lục vị địa hoàng gia Đương quy, Bạch thược) hoặc Lục vị kỷ cúc (Lục vị địa hoàng gia Câu kỷ tử, Cúc hoa) hoặc Bổ Can Thận (Hà thủ ô, Hoài sơn, Trạch tả, Thảo quyết minh, Thục địa, Đương quy, Sài hồ).

Thể Thận âm dương lưỡng hư:

  • Phép trị: ôn bổ Thận dương.
  • Bài thuốc: Hữu quy ẩm (Cam thảo, Hoài sơn, Nhân sâm, Phụ tử chế, Thục địa, Đỗ trọng, Câu kỷ tử, Nhục quế, Ngô thù du) hoặc Bát vị hoàn (Thục địa, Hoài sơn, Sơn thù, Đơn bì, Phục linh, Trạch tả, Phụ tử chế, Nhục quế).

Thể đàm thấp:

  • Phép trị: trừ đàm, hóa thấp, thông lạc.
  • Bài thuốc: Nhị trần thang gia giảm (Nhân sâm, Phục linh, Bạch truật, Cam thảo, Bán hạ chế, Trần bì).

Thể khí hư huyết ứ:

  • Phép trị: bổ khí, hoạt huyết, khử ứ, thông lạc.
  • Bài thuốc: Bổ dương hoàn ngũ thang (Hoàng kỳ, Hồng hoa, Đào nhân, Xuyên khung, Địa long, Xích thược, Đương quy).

Thành phần vị thuốc trong các vị thuốc sẽ được bác sĩ gia giảm phù hợp với bệnh cảnh lâm sàng thực tế của mỗi bệnh nhân. Sự kết hợp giữa điều trị y học cổ truyền và y học hiện đại mang lại hiệu quả cao trong phục hồi chức năng vận động cũng như tổng trạng cho bệnh nhân.