Đau cổ vai gáy là bệnh lý liên quan cơ – xương – khớp phổ biến mà ai cũng có thể mắc phải. Tình trạng đau nhức vùng cổ vai gáy không chỉ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, làm việc mà còn là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm khác.

ĐAU CỔ VAI GÁY LÀ GÌ?

Đau cổ vai gáy là tình trạng các cơ của vùng cổ, vai, gáy bị căng cứng gây đau nhức và hạn chế tầm vận động tại vùng này. Bệnh lý này có quan hệ chặt chẽ với hệ thống cơ xương khớp và mạch máu.

Dân văn phòng thường xuyên gặp tình trạng đau cổ, vai, gáy
Dân văn phòng thường xuyên gặp tình trạng đau cổ, vai, gáy

Vì là bệnh lý phổ biến, nên đối tượng mắc phải đau cổ vai gáy rất đa dạng, nhưng chủ yếu tập ở những người phải ngồi, đứng nhiều hoặc làm công việc nặng nhọc, chẳng hạn như:

  • Nhân viên văn phòng
  • Giáo viên
  • Tài xế
  • Công nhân
  • Người khiêng vác nặng,…

TRIỆU CHỨNG THƯỜNG GẶP CỦA ĐAU CỔ VAI GÁY

Các triệu chứng của đau cổ vai gáy thường mang tính cơ học, phổ biến là:

  • Ban đầu chỉ xuất hiện đau mỏi nhẹ tại điểm giữa cổ và vai, hoặc vùng rộng hơn như trên vai và/hoặc cổ.
  • Cơn đau nhói có thể xuất hiện rồi biến mất, thường là vào buổi sáng.
  • Cảm giác căng cứng vùng cổ, vai, gáy.
  • Chuyển động cổ, vai, cánh tay bị hạn chế.
  • Cảm giác ngứa ran, tê lan dần xuống vai, cánh tay và/hoặc bàn tay (đau mỏi vai gáy tê bì chân tay) hoặc lan lên đầu.
  • Một số trường hợp, cơn đau cổ và đau vai có thể trở nên nặng hơn khi thực hiện các hoạt động nhất định: xoay đầu, chơi thể thao, mang vác vật nặng,…
Cơn đau nhói thường xuất hiện vào buổi sáng
Cơn đau nhói thường xuất hiện vào buổi sáng

NGUYÊN NHÂN ĐAU CỔ VAI GÁY

Đau cổ vai gáy xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có 2 nhóm nguyên nhân chính gây ra tình trạng đau nhức vùng này: nguyên nhân cơ học và nguyên nhân bệnh lý.

Nguyên nhân cơ học

  • Sinh hoạt sai tư thế: ngồi khom lưng, cúi hoặc rướn cổ, ngồi nghiêng người sang một bên… trong thời gian dài làm chèn ép mạch máu khiến máu lưu thông chậm lên vùng cổ, vai.
  • Tính chất công việc: phải ngồi, đứng hoặc giữ nguyên một tư thế, về lâu dài làm cơ vùng cổ, bả vai bị chèn ép và thiếu máu nuôi dưỡng.
  • Tập luyện quá sức: tập quá ngưỡng chịu đựng cơ thể, tập sai kỹ thuật, sai tư thế, không khởi động trước khi vận động mạnh cũng gây nên tình trạng đau cơ.
  • Chế độ dinh dưỡng: thiếu một số vitamin C, D, E, khoáng chất, đặc biệt là canxi có thể làm dây thần kinh ngoại vi hoạt động yếu hơn.
  • Chấn thương: chấn thương vùng vai gáy có thể khiến dây chằng, đốt sống, cột sống,… trở nên suy yếu.
  • Nhiễm lạnh: thời tiết chuyển mùa; ngồi phòng quạt, máy lạnh có thể khiến dây thần kinh bị tổn thương.
  • Tuổi tác: cơ thể lão hóa làm cho hệ thống cơ xương khớp cũng bị thoái hóa dần và suy giảm chức năng.

Nguyên nhân bệnh lý

Ngoài những yếu tố cơ học được nêu bên trên, bệnh lý đau cổ vai gáy còn là triệu chứng của các bệnh lý nguy hiểm khác.

  • Thoái hóa đốt sống cổ: các gai xương xuất hiện và chèn ép vào dây thần kinh vùng cổ, vai, gáy gây đau nhức, mỏi. Triệu chứng thường xuất hiện khi vừa ngủ dậy.
  • Viêm bao khớp vai: đau một bên khớp vai khi trời lạnh hoặc đau lúc nửa đêm, nhất là khi nằm nghiêng. Nhiều trường hợp người bệnh còn bị giới hạn vận động cánh tay như khó xoay tay, vươn tay,…
  • Vôi hóa cột sống: những chồi xương do canxi lắng đọng bám vào thân đốt sống làm chèn ép rễ thần kinh ống sống khiến máu tắc nghẽn dẫn đến lưu thông kém đến các vùng khác.
  • Rối loạn chức năng thần kinh: các dây thần kinh vùng cổ vai gáy bị kéo dãn quá mức sẽ gây đau mỏi, khó ngủ, mất tập trung,…
  • Rối loạn khớp bả vai lồng ngực: ngồi một chỗ trong nhiều giờ khiến cho các cơ bị căng giãn quá mức.
  • Ung thư: một số trường hợp, đau cổ vai gáy dai dẳng là triệu chứng của ung thư đầu hoặc cổ. Ngoài ra, đau vai gáy còn cảnh báo dấu hiệu mắc bệnh ung thư phổi.
Nguy cơ thoái hóa khớp từ đau cổ, vai, gáy
Nguy cơ thoái hóa khớp từ đau cổ, vai, gáy

BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM CỦA ĐAU CỔ VAI GÁY

Đối với những bệnh nhân mới xuất hiện các triệu chứng nhẹ của đau cổ vai gáy, bệnh nhân thường chỉ cảm thấy đau, mỏi và căng cơ gây khó chịu và khó tập trung. Tuy nhiên, đối với trường hợp mắc bệnh kéo dài, triệu chứng ngày càng nặng hơn nhưng không đi chữa trị hoặc chữa trị sai cách sẽ dẫn đến những biến chứng nặng nề cho cơ thể.

  • Rối loạn tiền đình: các dây thần kinh vùng cổ, vai, gáy bị chèn ép lâu ngày, làm tắc mạch máu, lưu thông kém làm thiếu máu và oxy nuôi dưỡng não. Người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy đau đầu, chóng mặt, mắt mờ,… làm mất tập trung, suy giảm trí nhớ.
  • Đau rễ thần kinh: rễ thần kinh cột sống cổ bị chèn ép, người bệnh có thể trải qua những cơn đau nhói dữ dội, tê bì khắp vùng lưng, cổ, vai gáy và lan xuống cánh tay.
  • Teo, yếu cơ cánh tay: ngoài biểu hiện đau mỏi vai gáy, người bệnh có thể cảm thấy đau ở một hoặc cả hai bên cánh tay, kèm theo tê bì hoặc teo cơ cánh tay, mất cảm giác. Đây là một trong những biến chứng phổ biến của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C5-C6-C7 gây nên.
  • Chèn ép tủy sống vùng cổ: khi các tổn thương cột sống cổ tiến triển nặng, gây ra nhiều dạng tai biến như rối loạn cảm giác ở chân tay, rối loạn vận động, liệt nửa người hoặc tứ chi,…
Biến chứng teo, yếu cơ cánh tay
Biến chứng teo, yếu cơ cánh tay

ĐIỀU TRỊ ĐAU CỔ VAI GÁY BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Điều trị đau cổ vai gáy theo từng giai đoạn

Mức độ nhẹ: tránh cố gắng xoay đầu, xoay cổ mạnh, hạn chế hết mức ngồi trước quạt hoặc máy lạnh để tránh co cứng cơ. Trước khi ngủ chườm ấm vùng cổ, vai, chiếu đèn hồng ngoại hoặc hơ ngải cứu, xoa bóp nhẹ nhàng 10 -15 phút.

Mức độ vừa: ở mức độ này các biểu hiện bị đau cổ, vai, gáy rõ ràng hơn, có thể phải dùng một số loại thuốc hỗ trợ: thuốc giảm đau, chống viêm non-steroid như diclofenac, ibuprofen, paracetamol, aspirin hoặc dùng miếng dán salonpas để giảm được triệu chứng đau (cần dùng thuốc theo chỉ định của Bác sĩ).

Mức độ nặng: ngoài dùng các loại thuốc giảm đau theo chỉ định cần sử dụng thêm các biện pháp châm cứu hoặc dùng thuốc ức chế dẫn truyền thần kinh.

Phương pháp Y học cổ truyền điều trị đau cổ vai gáy

Theo Y Học Cổ Truyền, bệnh lý đau cổ vai gáy được gọi là chứng Kiên Tý, thường xảy ra do tấu lý sơ hở dẫn đến phong, hàn và thấp xâm nhập, khí huyết kém lưu thông và tổn thương kinh lạc.

Y học cổ truyền từ lâu đã được chứng minh mang lại hiệu quả điều trị cao trong điều trị bệnh lý đau cổ vai gáy. Bằng cách kết hợp các thủ thuật khác nhau, Y học cổ truyền sẽ điều trị tận căn nguyên của căn bệnh, từ đó xóa bỏ tận gốc nguyên nhân gây đau nhức.

Châm cứu

Châm cứu là thủ thuật dùng kim châm đã được khử khuẩn tác động vào các huyệt vị nhằm thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu, đả thông kinh lạc bị ứ trệ vùng cổ vai gáy.

Châm cứu gồm các phương pháp như: hào châm, điện châm, thủy châm, nhĩ châm,…

Phương huyệt được sử dụng trong điều trị đau cổ, vai, gáy: A Thị, Thiên Trụ, Phong Trì, Kiên Trung Du, Đại Chùy, Phong Môn,…

Châm cứu giúp đả thông kinh lạc bị ứ trệ vùng cổ, vai, gáy
Châm cứu giúp đả thông kinh lạc bị ứ trệ vùng cổ, vai, gáy

Xoa bóp bấm huyệt

Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp kết hợp hai thủ thuật được thực hiện bằng cách tác động trực tiếp lên da, cơ, mạch máu, giúp đả thông kinh mạch, lưu thông khí huyết, giảm đau nhức và đẩy lùi hàn phong thấp. Sau khi thực hiện, người bệnh sẽ cảm thấy vùng đau nhức nhẹ nhàng.

Phương huyệt được sử dụng trong điều trị đau cổ, vai, gáy: Thiên Trụ, Phong Trì, Kiên Tỉnh, Thiên Tông, Cao Hoang,…

ĐIỀU TRỊ ĐAU CỔ VAI GÁY BẰNG VẬT LÝ TRỊ LIỆU

Khác với phương pháp truyền thống chủ yếu dùng sức người tác động giãn cơ, giảm đau. Phương pháp vật lý trị liệu sử dụng các tác nhân hiện đại, ưu điểm là mang lại hiệu quả nhanh chóng đối với tình trạng đau cổ vai gáy.

Dưới đây là một số tác nhân vật lý trị liệu chính trong điều trị đau cổ vai gáy:

Điện xung

Dòng điện kích thích các hormone giảm đau tự nhiên của cơ thể, từ đó phát huy khả năng giảm đau, giảm co thắt, giảm viêm vùng cổ vai gáy đang bị tổn thương. Ngoài ra, trong quá trình điều trị, tùy vào dòng điện sử dụng mà bệnh nhân sẽ cảm nhận được sự thoải mái, giúp giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ.

Siêu âm trị liệu

Với hiệu ứng sinh học (nhiệt, cơ học), siêu âm có tác dụng làm giảm đau, giảm viêm, gia tăng tuần hoàn, tăng oxy, dinh dưỡng, giúp máu lưu thông đến các vùng bị co thắt.

 

Kết hợp siêu âm và điện xung đẩy nhanh quá trình hồi phục cho người đau cổ vai gáy

Sóng xung kích

Kích thích quá trình sửa chữa và tái tạo mô:

  • Tăng cường sản xuất collagen tạo thuận lợi cho quá trình sửa chữa các cấu trúc bị hư hỏng của hệ cơ xương và dây chằng.
  • Cải thiện chuyển hóa và vi tuần hoàn: sóng xung kích kích thích quá trình tái tạo và hình thành mạch máu mới, từ đó tái tạo lại mô.

Giảm đau do căng cơ, ức chế sự co thắt, điểm trigger point.

Phục hồi vận động do làm tan sự vôi hóa.

Sóng xung kích làm giảm đau do căng cơ
Sóng xung kích làm giảm đau do căng cơ

Tecar trị liệu 

Tác nhân này sử dụng tần sóng vô tuyến kích thích nguồn năng lượng tự nhiên trong cơ thể người giúp giảm đau, thư giãn cơ, cải thiện phạm vi chuyển động khớp, Cải thiện tuần hoàn máu tái tạo mô, làm lành mô tổn thương nhanh hơn.

Tecar trị liệu cải thiện tuần hoàn máu tái tạo mô, làm lành mô tổn thương nhanh hơn
Tecar trị liệu cải thiện tuần hoàn máu tái tạo mô, làm lành mô tổn thương nhanh hơn

CHẾ ĐỘ SINH HOẠT CHO NGƯỜI ĐAU CỔ VAI GÁY

Song song với việc sử dụng các phương pháp Y học cổ truyền và Y học hiện đại để điều trị đau cổ, vai, gáy, người bệnh cần phải điều chỉnh và thiết lập chế độ sinh hoạt  lành mạnh, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, hợp lý để gia tăng khả năng phục hồi và giảm thiểu tái phát bệnh.

Chế độ ăn uống

  • Bổ sung các khoáng chất tốt cho hệ thống xương khớp: Canxi, Omega -3, Vitamin C – D – E, Vitamin nhóm B, Glucosamine & Chondroitin,…
  • Hạn chế các thức ăn nhiều dầu mỡ, đường và thực phẩm chứa đường,…
  • Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…

Chế độ sinh hoạt

  • Ngồi đúng tư thế khi làm việc, học tập.
  • Thiết lập lại vị trí làm việc vừa tầm mắt, tránh tình trạng khom lưng, cúi người, rướn cổ.
  • Thực hiện các động tác để giúp cơ cổ được thư giãn như xoay cổ, ngửa đầu trước sau, xoay đầu qua 2 bên,… Cần thực hiện nhẹ nhàng, tránh làm mạnh sẽ khiến vùng cổ bị tổn thương.
  • Hạn chế xoay vặn mạnh cột sống cổ, không ngồi khom lưng, đầu cúi nhiều về phía trước.
  • Cần thay đổi tư thế, đứng dậy đi lại nhẹ nhàng sau mỗi 30 phút làm việc.
  • Hạn chế nồi phòng quạt, máy lạnh, đặc biệt tránh để hơi lạnh thổi trực tiếp vào người.