Hệ thống cơ xương khớp đóng vai trò quan trọng, tạo nên bộ khung vững chắc cho cơ thể. Tuy nhiên, hệ thống này cũng dễ bị tổn thương bởi nhiều yếu tố, dẫn đến các bệnh cơ xương khớp. Nhóm bệnh này ngày càng phổ biến, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Bệnh Cơ Xương Khớp là gì?

Hệ thống cơ xương đóng vai trò quan trọng để tạo ra bộ khung cho cơ thể. Bệnh cơ xương khớp là tình trạng bị suy yếu chức năng của các khớp, dây chằng, cơ bắp, thần kinh, gân và xương sống. Điều này có thể dẫn đến đau và làm giảm khả năng di chuyển, kết quả là có thể ngăn cản bạn thực hiện các hoạt động hàng ngày. Tổn thương cơ xương khớp để lại di chứng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Các bệnh cơ xương khớp làm hạn chế các hoạt động thường ngày
Các bệnh cơ xương khớp làm hạn chế các hoạt động thường ngày

Các bệnh lý Cơ Xương Khớp thường gặp

Thoái hóa khớp

Bệnh thoái hóa khớp là tình trạng sụn khớp và xương dưới sụn bị tổn thương, dịch khớp suy giảm, gây viêm nhiễm. Lâu dần lớp sụn khớp sẽ bị mỏng và xù xì khiến khớp bị đau nhức mỗi khi vận động.

Nguyên nhân và dấu hiệu

Thoái hóa khớp thường xảy ra bởi các nguyên nhân như tuổi tác, béo phì, tổn thương khớp, dị dạng bẩm sinh về khớp hoặc do yếu tố di truyền.

Biểu hiện, triệu chứng thoái hóa khớp thường gặp nhất là đau, cứng khớp, sưng khớp, khớp bị biến dạng, hạn chế vận động. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể trở thành mãn tính và dẫn tới nhiều biến chứng. Trong đó nguy hiểm nhất là mất khả năng vận động.

Phương pháp điều trị

Để phòng bệnh hiệu quả, người bệnh nên tập thể dục đều đặn mỗi ngày với những bài tập nhẹ nhàng. Kết hợp ăn uống điều hoà đủ chất dinh dưỡng, giảm đường, muối, mỡ trong khẩu phần ăn để tránh bị thừa cân, béo phì. Tránh tác động quá mạnh, đột ngột.

Viêm khớp

Nguyên nhân và dấu hiệu

Thông thường, viêm xương khớp là do sụn khớp bị thoái hóa. Khi sụn bị tổn thương hoặc thoái hóa, các đầu xương cọ xát vào nhau gây cảm giác sưng đau, làm xương khớp vận động kém linh hoạt.

Các triệu chứng viêm khớp thường thấy là đau nhức, sưng tấy, nóng đỏ tại các khớp, thường bị ở các khớp tay và chân. Tần suất đau nhiều về đêm và gây khó ngủ, cứng khớp, ngoài ra bệnh nhân còn có dấu hiệu mệt mỏi, sốt, chán ăn,…

Phương pháp điều trị

Cần thay đổi thái độ sống và lối sống. Các hoạt động thể chất và các bài tập thể dục giúp cải thiện vận động khớp và giảm đau. Thay đổi chế độ ăn uống cũng giúp duy trì trọng lượng lý tưởng và giảm bớt áp lực lên các khớp. Sử dụng thuốc giảm đau (paracetamol) và các loại thuốc điều trị theo toa của bác sĩ.

Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng đĩa đệm bị dịch chuyển ra khỏi vị trí bên trong đốt sống. Thường xảy ra khi cơ thể bị tác động mạnh hoặc trên nền đĩa đệm bị thoái hóa, nứt, rách, dẫn đến các chứng đau về thần kinh.

Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh cơ xương khớp phổ biến
Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh cơ xương khớp phổ biến

Bệnh thoát vị đĩa đệm nguyên nhân và dấu hiệu

Có nhiều nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm nhưng phổ biến nhất là do di truyền, tuổi tác, vận động sai tư thế, chấn thương, thừa cân…

Tùy vào vị trí bị thoát vị mà triệu chứng nhận biết bệnh sẽ khác nhau, trong đó điển hình nhất là tình trạng đau nhức, tê chân tay, hạn chế khi vận động,…

Phương pháp điều trị

Có thể dùng phương pháp thần kinh cột sống và phương pháp vật lý trị liệu để trị thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra, cần kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý, nâng đồ vật đúng cách cũng như đến bác sĩ khám thường xuyên.

Loãng xương

Bệnh loãng xương hay còn gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương, là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ.

Nguyên nhân và dấu hiệu

Bệnh loãng xương gây ra bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân chính là tuổi tác cao và sau mãn kinh.

Loãng xương rất dễ nhận biết bởi các triệu chứng thể hiện ngay ra bên ngoài:

  • Thường xuyên đau nhức xương. Kèm với đó là cột sống lưng cũng bị đau kèm theo các cơn đau cứng cơ, giật cơ.
  • Chiều cao bị giảm do cột sống bị gù vẹo.
  • Thường xuyên mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường, thoái hóa khớp.
  • Hay bị chuột rút, ớn lạnh, ra nhiều mồ hôi.

Phương pháp điều trị

Thường xuyên thực hiện các bài tập giúp cơ thể tăng sức chịu lực nặng và các bài tập tăng cường cơ bắp. Ngưng hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, ăn uống đúng dinh dưỡng, đủ canxi (ít nhất là 1.200 mg/ngày) và vitamin D (ít nhất là 800 IU/ngày) trong chế độ ăn uống. Ngăn ngừa gãy xương bằng cách giảm thiểu các nguy cơ té ngã.

Gout (gút)

Bệnh Gout (gút) là một loại viêm khớp đột ngột gây sưng đỏ và đau ở các khớp. Bệnh xảy ra khi axit uric tích tụ trong máu gây ra tình trạng viêm ở khớp.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh là do acid uric máu cao, khi nồng độ acid uric máu vượt quá giới hạn tối đa của độ hòa tan của urat trong huyết tương. Thường có yếu tố gia đình, do ăn quá nhiều thức ăn chứa nhân purin và kèm theo uống quá nhiều rượu. Thường gặp chủ yếu ở nam giới tuổi trung niên và số ít là nữ ở tuổi sau mãn kinh.

Dấu hiệu nhận biết

  • Khớp đau đột ngột, dữ dội, sưng tấy và thường xảy ra vào sáng sớm.
  • Cảm thấy nóng và đau nghiêm trọng ở khớp khi đụng vào.
  • Khớp chuyển sang màu sưng đỏ.
  • Cảm thấy vùng xung quanh khớp ấm lên.
  • Phương pháp điều trị.

Bệnh cơ xương khớp ở dân văn phòng

Nguyên nhân và dấu hiệu

Phải ngồi làm việc liên tục trên dưới 8 tiếng 1 ngày. Môi trường làm việc chủ yếu trong phòng máy lạnh không tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên. Cách sắp đặt nơi làm việc chưa phù hợp với thể trạng cơ thể (màn hình máy tính quá cao hoặc quá thấp), lười vận động là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc thoái hoá cơ xương khớp ở giới văn phòng.

Biểu hiện rõ rệt nhất là triệu chứng đau lưng, nhức mỏi xương khớp, đau cổ, đau đầu hoặc cảm giác căng sau gáy.

Đau lưng, đau cổ vai gáy là tình trạng phổ biến của dân văn phòng
Đau lưng, đau cổ vai gáy là tình trạng phổ biến của dân văn phòng

Phương pháp khắc phục

  • Sau khi ngồi làm việc khoảng 45 phút hãy đứng lên, đi lại và vận động nhẹ nhàng: giúp hệ cơ xương khớp được giảm tải và còn cho não bộ thư giãn, tăng hiệu suất công việc.
  • Uống đủ nước ngay cả khi không khát, trung bình 2 lít/ngày: nước là thành phần quan trọng trong cấu trúc xương và các cơ quan khác trong cơ thể.
  • Giữ chế độ dinh dưỡng cân bằng, tránh lạm dụng rượu bia.
  • Cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý: giữ tinh thần được vui vẻ, thoải mái là phương pháp tốt nhất để phòng tránh thoái hoá sớm.

Xem thêm: Đau cổ vai gáy

Cong vẹo cột sống

Nguyên nhân

Cong vẹo cột sống có thể gặp ở mọi lứa tuổi, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân thường gặp là do bẩm sinh, tập ngồi tập đi quá sớm; tư thế học tập, làm việc không đúng; chiều dài chân không đều và các bệnh lý về tùy sống, thần kinh cơ, bệnh xương khớp, còi xương, suy dinh dưỡng, loãng xương…

Dấu hiệu nhận biết

  • Gai đốt sống không thẳng hàng.
  • Dốc hai vai không đều nhau, bên thấp bên cao.
  • Phần xương bả vai nhô ra bất thường.
  • Khoảng cách từ 2 mỏm xương đến bả vai không bằng nhau.
  • Tam giác eo tạo ra giữa thân và cánh tay có độ hẹp rộng không giống nhau.
  • Xương sườn lồi lên, thân lưng mất cân đối.

Phương pháp điều trị

Nếu góc VCS dưới 20 độ, nhẹ và không tiến triển thì không cần điều trị, chỉ cần theo dõi cho trẻ, định kỳ đến khám bác sĩ chuyên khoa khớp.

Nếu góc VCS giữa 20 và 40 độ thì cần mang áo nẹp chỉnh hình. Người bệnh hai chân dài không đều sẽ được dùng giày chỉnh hình. Áo nẹp đóng vai trò chủ yếu, mặc ít nhất mỗi ngày 10 giờ liên tục (tốt nhất là mặc tối đi ngủ đến sáng). Với người trưởng thành, áo chỉnh hình chỉ là biện pháp giảm đau tạm thời, không thể sửa chữa các đường cong.

Nếu góc vẹo trên 40 độ, có thể phải phẫu thuật chỉnh hình nhờ vào một loại nẹp kim loại đặc biệt được đặt cố định vào cột sống trong thời gian dài để nắn chỉnh.

ĂN GÌ TỐT CHO BỆNH LÝ XƯƠNG KHỚP?

Chế độ dinh dưỡng cũng góp phần quan trọng để bảo vệ hệ thống cơ xương khớp, giúp hệ thống này này chắc khỏe và hạn chế dẫn đến tổn thương.

  • Trứng: ngoài lượng vitamin và khoáng chất dồi dào thì trong trứng còn chứa các axit amin thiết yếu giúp xương chắc khỏe. Đặc biệt, lòng đỏ trứng chứa một lượng canxi đáng kể.
  • Cá: các loại cá béo (cá mòi, cá hồi, cá ngừ) và cá da trơn (cá trê, cá basa, cá lăng) rất hoàn hảo để tăng cường sức khỏe xương vì chúng chứa khá nhiều canxi và vitamin D.
  • Sữa đậu nành: đậu nành cũng có chứa một lượng canxi dồi dào và cơ thể bạn sẽ hấp thụ dễ dàng hơn nhờ hàm lượng phytoestrogen có trong đậu nành.
  • Hành: hàm lượng canxi cao cùng các chất chống oxy trong hành còn giúp ngăn ngừa thoái hóa xương và nguy cơ loãng xương đáng kể.
  • Sữa chua: sữa chua cung cấp một lượng đáng kể vitamin D và canxi. Một phần sữa chua không béo có thể cung cấp đến 30% canxi.

Tại Ánh An Healthcare, việc phối hợp Y học Cổ truyền với các phương pháp hiện đại của Vật lý trị liệu – Phục hồi Chức năng giúp gia tăng hiệu quả điều trị, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí.