Thoái hóa cột sống được xem là một bệnh xương khớp liên quan đến tuổi già. Tuy nhiên, những năm trở lại đây người ta nhận thấy rằng, đối tượng của căn bệnh này ngày càng trẻ hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau.
THOÁI HÓA CỘT SỐNG LÀ GÌ?
Thoái hóa cột sống là tình trạng khi lớp sụn khớp mòn dần, các đầu xương đốt sống không còn lớp bảo vệ vững chắc, mỗi khi cơ thể vận động sẽ trực tiếp ma sát với nhau gây viêm, từ đó dẫn đến sưng bao hoạt dịch khớp và khô khớp do dịch khớp tiết ra bị hạn chế.
Thoái hóa cột sống là căn bệnh mãn tính, có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào của cột sống, trong đó, thoái hóa đốt sống cổ và thoái hóa cột sống thắt lưng là tình trạng phổ biến nhất.
TRIỆU CHỨNG CỦA THOÁI HÓA CỘT SỐNG
Một số triệu chứng chung thường gặp ở người thoái hóa cột sống bao gồm:
- Đau nhức, cứng cơ lưng, cổ và vai gáy vào buổi sáng sớm.
- Đau cột sống âm ỉ, cơn đau tăng khi vận động và giảm xuống khi nghỉ ngơi.
- Yếu hoặc tê bì chân tay.
- Đau đầu, chóng mặt hoặc đau ở vai.
- Sốt, mệt mỏi, khó thở kèm theo co thắt dạ dày.
Ngoài những triệu chứng thường gặp kể trên, chúng ta có thể phân biệt thoái hóa cột sống lưng và thoái hóa cột sống cổ qua các biểu hiện sau:
Thoái hóa cột sống lưng
- Xuất hiện cơn đau thắt lưng âm ỉ, kéo dài trong nhiều tuần.
- Cơn đau có thể tăng lên khi người bệnh thực hiện các tư thế cong, xoay người hoặc nâng vác vật nặng.
- Cơn đau có thể lan xuống chân, gây tê liệt và mất thăng bằng khi di chuyển (tình trạng chuyển biến nghiêm trọng).
- Gây mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột, kèm theo cơn đau co thắt cơ bắp.
Thoái hóa cột sống cổ
- Đau nhức cổ, cứng cổ, khó khăn khi vận động cổ: cơn đau xuất hiện đột ngột với mức độ nặng, kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày.
- Cơn đau có thể lan xuống một bên vai hoặc cánh tay.
- Tình trạng tê, yếu liệt bả vai, cánh tay hoặc ngón tay.
- Xuất hiện các biểu hiện nấc cụt, ngáp, đau đầu, chóng mặt (bị thoái hóa đốt sống cổ C1 – C2).
NGUYÊN NHÂN GÂY THOÁI HÓA CỘT SỐNG
Có 2 nhóm nguyên nhân gây nên bệnh thoái hóa cột sống:
Nguyên nhân nguyên phát
Tuổi tác
Quá trình lão hóa tự nhiên là một trong những tác nhân chính gây ra bệnh thoái hóa cột sống. Khi tuổi càng cao, cấu trúc cột sống càng suy yếu làm cho đĩa đệm bị mất nước, bao xơ đĩa đệm dễ bị rách vỡ, dây chằng bị xơ hóa hoặc các mô sụn bị hao mòn.
Thói quen sinh hoạt
- Tư thế ngồi không đúng, thường ngồi gù lưng, gập cổ.
- Nằm gối quá cao.
- Vận động thể dục thể thao sai động tác, quá sức.
Ăn uống không lành mạnh
- Chế độ dinh dưỡng thiếu Canxi, Magie, Glucosamine hoặc Collagen tuýp II, ăn nhiều thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ là nguyên nhân làm cột sống ngày càng hư hại.
- Lạm dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá.
Nguyên nhân thứ phát
- Đặc thù của công việc: người làm việc văn phòng, ít vận động; người lao động nặng nhọc, mang vác sai tư thế.
- Chấn thương: các chấn thương trong quá trình sinh hoạt, vận động hoặc do tai nạn nếu không được điều trị dứt điểm, có thể khiến cột sống bị thoái hóa.
BIẾN CHỨNG CỦA THOÁI HÓA CỘT SỐNG
Bất cứ căn bệnh nào nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời đều để lại biến chứng nguy hiểm. Người bệnh thoái cột sống có thể gặp các vấn đề như:
Gai cột sống
Khi lớp sụn khớp bị bào mòn, cơ thể sẽ tiến hành cơ chế tự chữa lành thương tổn bằng cách kích thích gai xương hình thành tại đây. Sự phát triển của gai cột sống không chỉ làm biến dạng đầu xương đốt sống mà còn có khả năng ảnh hưởng đến mô mềm và rễ thần kinh xung quanh.
Thoát vị đĩa đệm
Như đã được đề cập ở trên, thoái hóa cột sống cũng có thể gây tổn thương đĩa đệm. Mỗi đĩa đệm đều có phần nhân nhầy bao bọc bởi lớp bao xơ bên ngoài. Khi lớp bao bên ngoài bị rách hoặc nứt do tổn thương, nhân nhầy sẽ thoát ra và khiến đĩa đệm trượt khỏi vị trí ban đầu, dẫn đến tình trạng thoát vị đĩa đệm.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, thoát vị đĩa đệm còn có thể tác động lên đám rối thần kinh đuôi ngựa (cauda equina), dẫn đến biến chứng mất kiểm soát ruột, bàng quang hoặc thậm chí là rối loạn chức năng tình dục.
Chèn ép rễ thần kinh
Gai xương và đĩa đệm bị thoát vị có khả năng chèn vào các rễ thần kinh gần đó gây đau và tê ngứa tay chân, đôi khi còn dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng hơn như:
- Đau thần kinh tọa.
- Hội chứng cổ vai gáy.
- Thương tổn thần kinh vĩnh viễn gây tàn phế.
Một số biến chứng khác
- Đau đầu, chóng mặt do các động mạch gần đốt sống bị chèn ép.
- Chèn ép tủy sống dẫn đến đau yếu tứ chi, vận động khó khăn hoặc thậm chí là liệt.
PHƯƠNG PHÁP KẾT HỢP ĐÔNG – TÂY Y ĐIỀU TRỊ THOÁI HOÁ CỘT SỐNG
Ngày càng có nhiều phương pháp hiện đại ứng dụng vào quá trình điều trị căn bệnh thoái hóa cột sống. Tại Ánh An Healthcare, chúng tôi chủ trương kết hợp phương pháp Đông – Tây Y để mang đến hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Phương pháp Y học cổ truyền
Đối với phương pháp không dùng thuốc của Đông Y, người bệnh sẽ kiểm soát và đẩy lui các triệu chứng đau nhức, tê cứng khó chịu liên quan đến thoái hóa cột sống.
Các thủ thuật thường dùng có thể kể đến như: hào châm, điện châm, xoa bóp bấm huyệt, cứu ấm,…
Phương pháp Vật lý trị liệu
Các liệu pháp vật lý trị liệu được biết đến với tính ứng dụng cao trong điều trị thoái hóa cột sống, giúp người bệnh không chỉ giảm triệu chứng nhanh chóng mà còn rút ngắn thời gian điều trị.
Tùy vào từng liệu pháp sẽ mang đến những lợi ích khác nhau, ví dụ như: giảm đau, tiêu viêm, giảm áp lực cột sống, kích thích tuần hoàn, đánh tan điểm co thắt. Các liệu pháp vật lý trị liệu phổ biến: điện xung, siêu âm trị liệu, sóng xung kích, sóng vô tuyến, kéo giãn cột sống,…
Tại Ánh An Healthcare, việc phối hợp Y học Cổ truyền với các phương pháp hiện đại của Vật lý trị liệu – Phục hồi Chức năng giúp gia tăng hiệu quả điều trị, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí.