Parkinson là căn bệnh này nằm trong nhóm bệnh về rối loạn vận động, thường gặp ở những người trên 60 tuổi. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bệnh nhân mắc phải Parkinson ở độ tuổi khá trẻ.

PARKINSON THEO Y HỌC HIỆN ĐẠI

Parkinson là gì?

Parkinson là bệnh xuất hiện do sự thoái hóa của hệ thần kinh trung ương tiến triển, gây thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh có tên là dopamine.

Căn bệnh này nằm trong nhóm bệnh về rối loạn vận động, thường gặp ở những người trên 60 tuổi. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bệnh nhân mắc phải ở độ tuổi khá trẻ, hay còn gọi là bệnh Parkinson khởi phát sớm. Có khoảng 5 – 10% (một số nghiên cứu Nhật 10 – 20%) bệnh nhân Parkinson có dạng khởi phát sớm dưới 50 tuổi. Gánh nặng toàn cầu của bệnh Parkinson về tử vong và tàn tật đã gia tăng gấp đôi trong 2 thập kỷ qua.

Nam giới có tỉ lệ mắc Parkinson cao hơn nữ giới, nhất là những người trong đội tuổi 50 – 59, đồng thời nguy cơ suy giảm nhận thức cao hơn nữ. Tuy nhiên, phụ nữ lại có các triệu chứng về đường tiểu và trầm cảm cao hơn nam giới.

Triệu chứng của Parkinson

Đặc điểm lâm sàng của Parkinson là các triệu chứng khởi phát nhẹ và tiến triển từ từ, gồm 2 nhóm triệu chứng.

Các triệu chứng trong nhóm vận động thường gặp (motor)

  • Run (tremor): đặc trưng giúp phân là run xuất hiện khi nghỉ, giảm khi vận động chủ ý. Xuất hiện sớm ở 1 bên, thường khởi đầu ở ngón cái và ngón trỏ. Theo thời gian lan xuống chân và qua bên đối diện. Trường hợp nặng run cả môi, lưỡi, cằm. Tần số run chậm (4-7Hz), là triệu chứng dễ nhận biết và ít gây tàn phế nhất.
  • Bất động (akinesia), chậm vận động (bradykinesia), giảm động (hypokinesia): biểu hiện đặc trưng là vẻ mặt bất động như mặt nạ (hypomimie), ít biểu lộ cảm xúc, ít chớp mắt.
  • Cứng đờ (rigidity): co cứng cơ tại các chi hoặc toàn thân. Cứng cơ thường xuyên khiến người bệnh cảm thấy nhức mỏi hay yếu sức.
  • Tư thế không ổn định, giảm khả năng giữ thăng bằng và dễ bị té ngã: người bệnh thường có tư thế gập người về phía trước. đây là các triệu chứng trễ, là nguyên nhân chính gây tàn phế ở người bệnh bị Parkinson.

Các triệu chứng trong nhóm ngoài vận động (non-motor)

  • Triệu chứng liên quan đến giấc ngủ: người bệnh có thể than phiền là mất ngủ vào ban đêm hoặc ngủ nhiều quá mức vào ban ngày.
  • Triệu chứng nhận thức và sa sút trí tuệ: một số người bệnh Parkinson có biểu hiện sa sút trí tuệ như hay quên, giao tiếp kém do giảm ngôn ngữ, mất nhận thức về không gian và thời gian.
  • Các triệu chứng nhân cách, hành vi: người bệnh có thể xuất hiện trầm cảm, rối loạn lo âu hay biểu hiện loạn thần.
  • Các triệu chứng khác như táo bón, tụt huyết áp tư thế, khó nuốt, đái dầm, mất khứu giác.

Nguyên nhân gây bệnh Parkinson

Hiện nay nguyên nhân gây bệnh chính xác vẫn chưa được sáng tỏ, thường do nguyên nhân của các yếu tố di truyền, môi trường hoặc là sự kết hợp của cả hai yếu tố trên.

Đột biến trên các gen SNCA, LRRK2, PRKN, PINK1, và GBA có liên quan mạnh mẽ đến tiến triển Parkinson có tính gia đình.

Đột biến gen lặn trên NST thường PARK2 là nguyên nhân thường gặp nhất gây Parkinson khởi phát sớm trước 40 tuổi, kế đến là gen PINK1.

Các yếu tố môi trường bao gồm:

  • 20% người bệnh Parkinson khởi phát sớm có người thân trong gia đình bị Parkinson. Nếu có làm gia tăng nguy cơ 7.8 lần.
  • Tiếp xúc nhiều với chất hóa chất độc hại (ví dụ: mangan, chì,…), chất diệt cỏ, chất độc màu da cam.
  • Đã từng bị chấn thương ở vùng đầu.
  • Thường xuyên phải tiếp xúc với chất biphenyl polychlorinated hoặc các dung môi hóa học.

5 giai đoạn của Parkinson

Theo thang điểm Hoehn và Yahr, người bệnh Parkinson thường diễn tiến qua 5 giai đoạn sau, sự tiến triển nhanh hay chậm tùy thuộc vào việc người bệnh có được quản lý hay không:

  • Giai đoạn 1: các triệu chứng chỉ xuất hiện ở 1 bên cơ thể.
  • Giai đoạn 2: triệu chứng ảnh hưởng cả 2 bên, chưa xuất hiện rối loạn thăng bằng.
  • Giai đoạn 3: người bệnh mất ổn định tư thế, dễ té ngã nhưng vẫn tự đi lại được.
  • Giai đoạn 4: di chuyển chậm chạp, khó khăn, cần có sự giúp đỡ của người khác.
  • Giai đoạn 5: không đứng được thậm chí khi được giúp đỡ, phụ thuộc hoàn toàn vào xe lăn hoặc giường.

Phương pháp điều trị Parkinson

Cho đến hiện tại chưa có phương pháp nào chữa khỏi hoàn toàn bệnh Parkinson. Tùy vào giai đoạn bệnh, độ nặng và mong muốn của người bệnh mà có thể áp dụng phương pháp điều trị dùng thuốc, không dùng thuốc hoặc phẫu thuật (phẫu thuật kích thích não sâu). Các thuốc điều trị hiện tại bao gồm Levodopa, nhóm thuốc đồng vận dopamine, thuốc ức chế men (MAO COMT), thuốc kháng cholinergic, amantadine. Ngoài ra còn kết hợp với các phương pháp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng để cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

PARKINSON THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

Parkinson theo Y học cổ truyền

Theo góc nhìn của Y học cổ truyền, bệnh Parkinson gây ra bởi sự rối loạn các các cơ quan tạng phủ trong cơ thể bao gồm tạng Can, Thận và do một số nguyên nhân như phong, hỏa, đàm và huyết ứ. Dựa trên cơ chế bệnh sinh này pháp trị là khu phong, thanh nhiệt, trừ đàm, hành khí hoạt huyết và bổ Can Thận, kiện Tỳ.

Các hội chứng lâm sàng Y học cổ truyền thường gặp trên người bệnh Parkinson bao gồm:

  •       Can thận âm hư
  •       khí huyết lưỡng hư
  •       Thận tinh bất túc
  •       Âm hư phong động
  •       Đàm nhiệt phong động
  •       Huyết ứ phong động

Phương pháp điều trị dùng thuốc thảo dược

Rất nhiều công trình nghiên cứu cho thấy khi người bệnh Parkinson điều trị bằng thuốc thảo dược có thể giúp cải thiện các triệu chứng vận động và không vận động cũng như chất lượng cuộc sống.

Pháp trị Parkinson bằng Y học cổ truyền: khu phong, thanh nhiệt, trừ đàm, hành khí hoạt huyết và bổ Can Thận, kiện Tỳ.

Cơ chế của các hoạt chất có trong thuốc thảo dược gồm:

  • Phục hồi chức năng của ti thể.
  • Điều hòa quá trình tự thực bào và các chất dẫn truyền thần kinh.
  • Chống chết tế bào theo chương trình.
  • Kháng viêm.
  • Chống oxy hóa.

Các dược liệu thường được sử dụng nhất: Đan sâm, Bạch thược, Câu đằng, Sinh địa, Nhục thung dung, Hà thủ ô, Xuyên khung, Sơn thù, Đương quy, Thạch xương bồ, Hoàng kỳ.

Phương pháp điều trị không dùng thuốc

  • Châm cứu
  • Nhĩ châm
  • Cấy chỉ

Bên cạnh việc dùng thuốc, ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh  hiệu quả các phương pháp điều trị không dùng thuốc của Y học cổ truyền như châm cứu, nhĩ châm và cấy chỉ cho thấy việc cải thiện đáng kể các thang đo lượng giá chức năng của người bệnh Parkinson khi điều trị kết hợp với thuốc tây và thuốc Y học cổ truyền. Đồng thời làm chậm tiến triển bệnh đến mất hoàn toàn chức năng.