Khó tiêu là triệu chứng phổ biến của bệnh lý về đường tiêu hóa, chiếm tỷ lệ 40-70% trong bệnh lý đường tiêu hóa.

KHÓ TIÊU CHỨC NĂNG LÀ GÌ?

Chứng khó tiêu là một tập hợp các triệu chứng phức tạp liên quan đến đường tiêu hóa trên bao gồm: đau hoặc nóng rát vùng thượng vị, đầy bụng sau bữa ăn hoặc cảm giác no sớm. Các triệu chứng kèm theo như: buồn nôn/nôn, đầy hơi, ợ hơi hoặc ợ nóng.

Khoảng 80% bệnh nhân khó tiêu không có tổn thương thực thể, hay còn gọi là khó tiêu chức năng (functional dyspepsia). Khó tiêu chức năng chiếm tỷ lệ khoảng 20% dân số, là một rối loạn chức năng mạn tính của đường tiêu hóa và chưa có phương pháp điều trị hết hoàn toàn, do đó làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hoạt động xã hội của người bệnh.

TRIỆU CHỨNG CỦA KHÓ TIÊU CHỨC NĂNG

Khó tiêu chức năng là triệu chứng khó tiêu mạn tính (triệu chứng xảy ra trong 3 tháng với triệu chứng khởi phát 6 tháng trước khi chẩn đoán) bao gồm: đau hoặc nóng rát vùng thượng vị, đầy bụng sau bữa ăn hoặc cảm giác no sớm không kèm các tình trạng bệnh lý thực thể có khả năng giải thích được triệu chứng này.

Khó tiêu chức năng là một chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân khó tiêu thực thể, cần lưu ý các dấu hiệu báo động như:

  • Khó tiêu mới khởi phát (> 40 tuổi).
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Xuất huyết tiêu hóa.
  • Nuốt khó tiến triển.
  • Thiếu máu thiếu sắt không rõ nguyên nhân.
  • Nôn dai dẳng và tái đi tái lại.
  • Vàng da.
  • Tiền căn gia đình có ung thư đường tiêu hóa.

NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH

Nguyên nhân của chứng khó tiêu có thể do bệnh lý thực thể hoặc do chức năng. Khó tiêu chức năng nghĩa là triệu chứng khó tiêu không thể giải thích được bởi bệnh lý tổn thương cơ quan, hệ thống nào trên cơ thể, ví dụ như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng, ung thư đường tiêu hóa, hội chứng đại tràng kích thích, sỏi mật, viêm gan-xơ gan, đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, bệnh mạch vành, suy tủy thượng thận, nhiễm khuẩn,… hay do sử dụng thuốc (đặc biệt nhóm thuốc NSAID).

Nguyên nhân chính xác của khó tiêu chức năng vẫn chưa được hiểu rõ ràng. Một số cơ chế bệnh được nêu ra cho chứng khó tiêu chức năng như:

  • Chậm làm trống dạ dày.
  • Giảm khả năng chứa của dạ dày.
  • Tăng nhạy cảm dạ dày tá tràng.
  • Nhiễm Helicobacter pylori.
  • Viêm tá tràng mức độ nhẹ – tăng tính thấm niêm mạc và kháng nguyên thức ăn.
  • Yếu tố môi trường.
  • Yếu tố tâm lý.

CHẨN ĐOÁN KHÓ TIÊU CHỨC NĂNG

Hiện nay, chứng khó tiêu chức năng được chẩn đoán dựa vào tiêu chuẩn ROME IV.

Khó tiêu chức năng được chia thành 2 hội chứng chính:

  • Hội chứng khó chịu sau ăn (postprandial distress syndrome – PDS): triệu chứng chính là đầy bụng sau bữa ăn và cảm giác no sớm.
  • Hội chứng đau thượng vị (epigastric pain syndrome – EPS): triệu chứng chính là đau thượng vị và nóng rát thượng vị.

Ngoài ra, bệnh nhân có sự kết hợp triệu chứng của PDS và EPS chiếm tỷ lệ 34,4%.

ĐIỀU TRỊ KHÓ TIÊU CHỨC NĂNG BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Khó tiêu chức năng theo Y học cổ truyền

Y học cổ truyền miêu tả các triệu chứng đau hoặc nóng rát vùng thượng vị, đầy bụng sau bữa ăn hoặc cảm giác no sớm trong chứng vị quản thống (đau thượng vị), phúc mãn (đầy bụng).

Chứng vị quản thống xuất hiện trong các bệnh cảnh như Tỳ Vị hư hàn, Vị âm bất túc, Can uất khí trệ, ăn uống tích trệ, Can hỏa hun đốt, ứ huyết hay hàn tà phạm Vị. Còn phúc mãn thường gặp do hàn thấp trực trúng trong lý, Tỳ Vị hư hàn, thấp nhiệt, ăn uống không điều độ.

Phương pháp điều trị

Khi khó tiêu chức năng được xác định, một trong những biện pháp điều trị đầu tiên là giải thích bệnh một cách dễ hiểu và rõ ràng cho người bệnh hiểu, cũng với giải quyết vấn đề tâm lý của người bệnh (lo lắng, căng thẳng), thay đổi lối sống (tránh ăn quá no, quá đói, ngưng hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, đồ uống có gas, cafe, giảm cân), điều trị H.Pylori nếu có.

Các bệnh cảnh có biểu hiện đa dạng, tùy vào từng bệnh cảnh và nguyên nhân gây bệnh mà đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Ví dụ, với bệnh cảnh vị quản thống do Can uất khí trệ dùng phép trị sơ Can lý khí hòa Vị, bài thuốc Sài hồ sơ Can thang. Bên cạnh dùng thuốc, có thể phối hợp các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt và dưỡng sinh.