Khoảng 73% người thoái hóa khớp ở độ tuổi trên 55 tuổi, xảy ra ở cả hai giới, tuy nhiên tỷ lên ở nữ cao hơn nam (60% nữ). Thoái hóa khớp ít tiến triển trước 40 tuổi nhưng hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa dần (từ 20 tuổi), đặc biệt ở phụ nữ.
Thoái hóa khớp là gì?
Thoái hóa khớp là một trong những bệnh lý thường gặp của khớp, bệnh lý này diễn tiến tăng dần theo tuổi gây tổn thương khớp, tình trạng đau khớp, ảnh hưởng vận động và có thể dẫn tới biến dạng khớp, tàn tật.
Vị trí tổn thương thường ở các khớp động. Loại khớp bị thoái hóa tỉ lệ thuận với mức độ và thời gian chịu tải trọng của khớp, chính vì vậy, tỷ lệ thoái hóa khớp xảy ra nhiều ở cột sống thắt lưng, cổ và gối, sau đó tới khớp hông, khớp bàn tay, bàn chân và các khớp khác.
Tổn thương cơ bản của thoái hóa khớp là tổn thương sụn khớp. Quá trình tổn thương xảy ra theo 3 giai đoạn: sự bào mòn cơ học, thoái hóa cấu trúc và viêm khớp.
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp
Nguyên nhân chính gây thoái hóa khớp là do quá trình lão hóa của sụn và các tổ chức quanh khớp như dây chằng, bao khớp, cơ,… kết hợp với yếu tố cơ địa (gene), tình trạng hoạt động quá mức, chịu áp lực quá tải kéo dài của sụn khớp và các tổ chức quanh khớp.
Sun khớp có vai trò tạo sự trơn láng trên bề mặt khớp, cùng với dịch khớp giúp hai bề mặt của khớp không bị cọ sát vào nhau khi vận động, khi chịu lực; làm phân tán sự tập trung của các stress, bảo vệ đầu xương khỏi bị tổn thương khi khớp chịu lực.
Khi sụn thoái hóa sẽ có màu vàng nhạt, mất tính đàn hồi, mỏng, khô, gồ ghề, nứt,loét, mất dần tổ chức sụn và khi tổn thương nặng sun mất đi nhiều làm trơ ra các đầu xương dưới sụn. Các đầu xương dưới sụn không còn được bảo vệ bởi sụn sẽ ma sát vào nhau khi cử động gây ra triệu chứng đau và tổn thương xương.
Các yếu tố nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ thoái hóa khớp:
- Độ tuổi: khoảng 40, đặc biệt sau tuổi mãn kinh (đối với nữ).
- Các dị dạng bẩm sinh: gù, vẹo cột sống, tật chân khoèo,…
- Béo phì: làm tăng lực tỳ đè kéo dài lên sụn khớp và đĩa đệm cột sống.
- Đặc tính nghề nghiệp phải khiêng vác nặng hoặc cúi lâu một tư thế.
- Thói quen xấu trong sinh hoạt (ngồi chồm hổm, cúi lưng khiêng đồ vật, ngồi sai tư thế,…).
- Rối loạn nội tiết tố.
Triệu chứng của thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp gây đau mạn tính vùng khớp thoái hóa, đau kiểu cơ học, âm ỉ, kéo dài, diễn tiến từng đợt tăng rồi giảm rồi lại bình thường, và càng ngày càng tăng dần.
Cơn đau khớp sẽ tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi, ban ngày đau nhiều hơn ban đêm, thường kèm cứng khớp (≤ 30 phút), cử động khớp nghe tiếng lục cục.
Thoái hóa khớp không gây ra sưng nóng đỏ các khớp hay các triệu chứng toàn thân như sốt, sụt cân, mệt mỏi, thiếu máu. Trong những trường hợp nặng có thể gây chèn ép các rễ thần kinh ở cột sống gây đau, tê và giảm cảm giác vùng rễ thần kinh chi phối.
Ngoài ra những triệu chứng như: gù, vẹo cột sống, hẹp ống sống, yếu cơ, biến dạng khớp, tràn dịch khớp gối,… làm hạn chế vận động khớp, ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt và công việc.
Điều trị thoái hóa khớp bằng Y Học Cổ Truyền
Mục tiêu điều trị thoái hóa khớp
- Loại trừ các yếu tố thúc đẩy quá trình thoái hoá.
- Giảm đau, kháng viêm.
- Bảo vệ sụn khớp.
- Giữ gìn, duy trì chức năng vận động của khớp.
Trong đó, việc loại bỏ các yếu tố nguy cơ thoái hóa là phương pháp trọng tâm của quá trình điều trị thoái hóa để giảm tình trạng diễn tiến nặng của bệnh, vì vậy sự hợp tác, tuân thủ điều trị của bệnh nhân rất quan trọng.
Bệnh nhân nên vận động thường xuyên, tập thể dục, ăn uống lành mạnh, giảm cân, thay đổi điều kiện làm việc, thay đổi thói quen xấu (khiêng vác nặng, cúi lâu, đứng/ngồi lâu,…).
Những đợt cấp của thoái hóa, sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm, bảo vệ khớp, các phương pháp châm cứu hay vật lý trị liệu có thể giảm tình trạng khó chịu cho bệnh nhân và giảm số lần đợt cấp cũng như giảm tiến trình của bệnh.
Thoái hóa khớp theo Y học cổ truyền
Trong Y học cổ truyền (Đông y) không có bệnh danh tương ứng với thoái hóa khớp. Y học cổ truyền mô tả bệnh lý này bằng các chứng sau:
- Chứng tý: là tình trạng đau, tê, nặng, mỏi, sưng, nhức, buốt,… ở bì phu, cân, cơ nhục, quan tiết, cốt, kinh lạc của tay chân hay toàn thân. Nguyên nhân do 3 tà khí Phong hàn thấp tà. Chứng thống là tình trạng đau cấp tính hoặc mạn tính, do khí huyết không thông hoặc không đủ nuôi dưỡng gây ra.
- Chứng thống: kiên bối thống, tích thống, bối thống, yêu thống, thủ túc kiên thống, hạc tất phong, túc ngân thống, lịch tiết phong.
Tùy tình trạng bệnh lý, các triệu chứng có thể có như tọa cốt phong, chứng nuy, nhiệt chứng,… Y học cổ truyền chẩn đoán bệnh một cách toàn diện, triệu chứng của thoái hóa khớp có thể do nguyên nhân ngoại nhân (phong hàn thấp tà), hay nằm trong bệnh cảnh toàn thân do sự rối loạn chức năng Tạng Phủ hoặc các vật chất cơ thể (Khí huyết, tinh, tân dịch).
Một số thể lâm sàng thường gặp của thoái hóa khớp theo Y học cổ truyền như: thận âm hư, can thận âm hư, thận dương hư, khí huyết hư, khí huyết ứ trệ, đàm ứ kinh lạc, chứng tý do phong hàn thấp tà hoặc phong thấp nhiệt.
Y học cổ truyền điều trị thoái hóa khớp
Y học cổ truyền điều trị thoái hóa khớp bằng phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc.
Phương pháp dùng thuốc
Tùy vào từng thể bệnh khác nhau sẽ có phép trị khác nhau, từ đó đưa ra các bài thuốc phù hợp.
Thể Phong hàn thấp tý
Phép trị: khu phong, tán hàn, trừ thấp, thông kinh lạc.
Bài thuốc:
- PT5 (bao gồm Lá lốt, Cây xấu hổ, Quế chi, Thiên niên kiện, Cỏ xước).
- Độc hoạt tang ký sinh thang: dùng khi đau thắt lưng trở xuống có hoặc không âm huyết hư trên nền Can Thận âm hư (Độc hoạt, Tang ký sinh, Quế chi, Tế tân, Tần giao, Phòng phong, Đảng sâm, Ngưu tất, Đỗ trọng, Đương quy, Sinh địa, Bạch thược, Cam thảo, Phục linh).
- Khương hoạt thắng thấp thang: nếu đau từ thắt lưng trở lên (Khương hoạt, Độc hoạt, Quế chi, Cảo bản, Mạn kinh tử, Xuyên khung, Cam thảo).
- Quyên tý thang: khi đau khớp chi trên (Khương hoạt, Phòng phong, Khương hoàng, Chích thảo, Đương quy, Xích thược, Sinh khương, Đại táo, Hoàng kỳ).
Thể phong thấp nhiệt tý
Phép trị: khu phong, thanh nhiệt, trừ thấp, thông kinh lạc.
Bài thuốc:
- Bạch hổ quế chi thang (Tri mẫu, Cam thảo, Thạch cao, Quế chi, Ngạnh mễ, Hoàng bá, Tang chi, Thương truật, Kim ngân hoa, Uy linh tiên).
- Quế chi thược dược tri mẫu thang (Quế chi, Bạch thược, Tri mẫu, Bạch truật, Cam thảo, Ma hoàng, Phòng phong, Kim ngân hoa, Liên kiều).
Thể Thận âm hư
Phép trị: bổ thận tư âm.
Bài thuốc:
- Tả quy hoàn (Thục địa, Sơn thù, Thổ ty tử, Câu kỷ tử, Ngưu tất, Sơn dược).
- Lục vị địa hoàng thang (Thục địa, Hoài sơn, Sơn thù, Đan bì, Phục linh, Trạch tả).
Thể khí huyết ứ trệ
Phép trị: hành khí, hoạt huyết hóa ứ, thư cân hoạt lạc
Bài thuốc:
- Tứ vật đào hồng (Thục địa, Đương quy, Đào nhân, Bạch thược, Xuyên khung, Hồng hoa).
- Thân thống trục ứ thang (Đào nhân, Đương quy, Xuyên khung, Ngũ linh chi, Địa long, Khương hoạt, Hồng hoa, Cam thảo, Ngưu tất, Hương phụ, Tần giao, Nhũ hương).
Phương pháp không dùng thuốc
Y học cổ truyền sử dụng các phương pháp như hào châm, nhĩ châm, cấy chỉ, điện châm để điều trị thoái hóa khớp. Các kỹ thuật bổ tả và công thức huyệt phụ thuộc từng thể bệnh.
Đối với phương pháp điện châm, tần số thường sử dụng 60-100 Hz kết hợp chiếu đèn hồng ngoại 20 phút.
Một số huyệt chung thường dùng để điều trị thoái hóa khớp: A thị huyệt, Giáp tích, Kiên tỉnh, Đại chùy, Thận du, Đại trường du, Độc tỵ, Tất nhãn, Lương khâu, Huyết hải, Dương lăng tuyền, Ủy trung, Liệt khuyết, Phong phủ, Phong môn,…
Các phương pháp điều trị Y học cổ truyền không chỉ tác dụng tại chỗ đau khớp mà còn tác dụng toàn thân, cải thiện tổng trạng, các triệu chứng khó chịu khác nên hiện nay được bệnh nhân lựa chọn sử dụng nhiều.
Như vậy, việc kết hợp điều trị giữa Y học hiện đại và Y học cổ truyền càng mang lại hiệu quả cao cho quá trình điều trị thoái hóa khớp.
Tham vấn chuyên môn: BS. CKII. Trần Văn Năm