Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý cơ xương khớp tưởng chừng như chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi do quá trình lão hóa cơ thể. Nhưng hiện nay, căn bệnh này ngày càng có xu hướng trẻ hóa (phổ biến nhất là từ 30 – 60 tuổi) do chế độ sinh hoạt không lành mạnh.

THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM LÀ GÌ?

Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi lớp nhân nhầy đĩa đệm giữa các đốt sống lưng hoặc cổ di chuyển ra khỏi vị trí vốn có làm đè và chèn ép lên các dây thần kinh  gây đau nhức.

Thoát vị đĩa đệm đè và chèn ép lên các dây thần kinh lân cận
Thoát vị đĩa đệm đè và chèn ép lên các dây thần kinh lân cận

4 giai đoạn thoát vị đĩa đệm

Giai đoạn 1: suy thoái đĩa đệm

Ở giai đoạn đầu tiên của thoát vị đĩa đệm, bao xơ đĩa đệm bắt đầu tổn thương và dần thoái hóa. Nhân nhầy trong đĩa đệm có dấu hiệu biến dạng tuy nhiên chúng vẫn nằm nguyên trong bao xơ, chưa dẫn đến nứt rách.

Giai đoạn này sẽ xuất hiện những cơn đau thoáng qua, bệnh nhân sẽ không nhận ra mình mắc bệnh.

Giai đoạn 2: lồi đĩa đệm

Giai đoạn này bao xơ bị rách một phần, xuất hiện dấu hiệu phình to và các vết nứt nhỏ, vết rách trên bề mặt bao xơ tạo thành ổ lồi khu trú. Đĩa đệm bắt đầu phình to ra, đè lên dây thần kinh tủy sống hoặc đè lên cấu trúc xương xung quanh.

Bệnh nhân bắt đầu cảm nhận được những cơn đau với tần suất trung bình, dễ nhận biết hơn so với giai đoạn đầu. Một số bệnh nhân bị chèn ép dây thần kinh nặng có thể gặp những cơn đau dữ dội.

4 giai đoạn của thoát vị đĩa đệm
4 giai đoạn của thoát vị đĩa đệm

Giai đoạn 3: thoát vị đĩa đệm

Giai đoạn này bao xơ bị rách toàn phần, nhân nhầy thoát ra ngoài tràn vào tủy sống, gây chèn ép rễ thần kinh quanh vùng cột sống lưng, đốt sống cổ gây ra các triệu chứng rõ ràng.

Bệnh nhân sẽ thường xuyên phải chịu những cơn đau nhức tệ hơn với mật độ dày đặc, tê bì, chuột rút,… làm giảm khả năng vận động rõ rệt.

Giai đoạn 4: thoát vị có mảnh rời

Đây là giai đoạn cực kỳ nguy hiểm cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm. Bao xơ và vòng sụn đã xơ hóa toàn bộ, nhân nhầy thoát ra ngoài kèm theo hiện tượng tách khỏi phần đĩa đệm. Nhân nhầy chèn ép mạnh các rễ thần kinh, các đốt sống hư và xẹp lại, gây tổn thương trực tiếp lên thần kinh.

Bệnh nhân đau đớn nhiều, không thể đứng hoặc ngồi như bình thường, nhiều người bị teo cơ, liệt cơ dẫn đến bại liệt, mất chức năng kiểm soát tiểu tiện, đại tiện và mất khả năng vận động.

2 dạng thoát vị đĩa đệm phổ biến

Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cột sống, nhưng phổ biến nhất là ở vùng lưng dưới (thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng) và cổ (thoát vị đĩa đệm cột sống cổ). Do 2 vùng thắt lưng và cổ là phần linh hoạt của cột sống, và vì đĩa đệm vùng này được cử động nhiều nhất nên dễ bị hao mòn và tràn nhân nhầy.

  • Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: chủ yếu ở đốt sống L4, L5 hoặc L5,S1.
  • Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: chủ yếu ở đốt sống C5, C6 và C7.

Đối tượng dễ mắc bệnh

Thoát vị đĩa đệm thường xảy ra với những đối tượng như:

  • Người làm công việc nặng nhọc, công việc văn phòng.
  • Người tập luyện các môn thể thao có cường độ cao.
  • Tình trạng thừa cân, béo phì.
  • Người mắc các bệnh lý cột sống: thoái hóa, cong vẹo, gai cột sống,…
  • Người có thói quen sinh hoạt không lành mạnh: ngồi khom lưng, rướn cổ, nằm gối quá cao,…
  • Người lớn tuổi,…

TRIỆU CHỨNG CỦA THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM

Nếu thoát vị ở mức độ nhẹ hoặc không đè lên dây thần kinh, bệnh nhân có thể sẽ không cảm nhận được mình đang có bệnh. 

Đối với những người bị thoát vị nặng hơn và ảnh hưởng đến dây thần kinh, cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng và dai dẳng. Bệnh nhân thường cảm nhận được cơn đau xuất hiện ở một bên cơ thể và có thể đau lan xuống cánh tay (nếu thoát vị đĩa đệm ở cổ) hoặc chân (nếu thoát vị đĩa đệm thắt lưng).

Các dấu hiệu và triệu chứng khác của thoát vị đĩa đệm bao gồm:

  • Đau nhức âm ỉ ở một bên cơ thể.
  • Đau khi ho, hắt hơi hoặc cử động cổ, lưng.
  • Cảm giác tê bì, ngứa ran hoặc nóng rát do dây thần kinh bị chèn ép.
  • Cơn đau trở nên nặng hơn khi ngồi, đứng, đi lại và cúi người.
  • Có thể ảnh hưởng đến khả năng nâng tay, cầm nắm do yếu cơ hoặc co thắt.
  • Đi khập khiễng, kém thăng bằng do yếu và/hoặc đau.
  • Phản xạ chậm.
  • Khó đứng dậy khi đang ngồi.
  • Tư thế xấu.
  • Mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang (có thể là dấu hiệu của hội chứng đuôi ngựa).

NGUYÊN NHÂN GÂY THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh thoát vị đĩa đệm, trong đó những hành động tác động trực tiếp đến cột sống là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh.

Nguyên nhân phổ biến

  • Tư thế sai trong sinh hoạt, làm việc, thường mang vác vật nặng.
  • Quá trình lão hóa do tuổi tác.
  • Té ngã, tai nạn gây chấn thương.
Mang vác nặng là nguyên nhân phổ biến gây thoát vị đĩa đệm
Mang vác nặng là nguyên nhân phổ biến gây thoát vị đĩa đệm

Yếu tố nguy cơ

  • Cân nặng dư thừa làm tăng áp lực lên cột sống.
  • Đặc thù nghề nghiệp phải ngồi nhiều, mang vác nặng, cúi gập người,…
  • Bệnh lý cột sống như thoái hóa cột sống, gù vẹo cột sống,…

BIẾN CHỨNG CỦA THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM

Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh cơ xương khớp để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, nếu tình trạng bệnh kéo dài, bệnh nhân sẽ bị đau mạn tính kéo theo nhiều hệ lụy thậm chí là tàn tật vĩnh viễn.

Nguy cơ bại liệt, tàn phế từ thoát vì đĩa đệm
Nguy cơ bại liệt, tàn phế từ thoát vì đĩa đệm

Một số biến chứng nguy hiểm của thoát vị đĩa đệm nếu không được điều trị kịp thời:

  • Tổn thương thần kinh cánh tay.
  • Khó khăn khi vận động các chi, mất khả năng lao động.
  • Gây rối loạn cảm giác, tê tay, tê chân, mất cảm giác nóng, lạnh.
  • Tổn thương thần kinh tọa, không nhấc được mũi và gót chân, lâu ngày bị teo cơ chân.
  • Rối loạn bàng quang hoặc chức năng ruột, tiểu tiện và đại tiện không tự chủ.
  • Bại liệt, tàn phế.

ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Ngoài phương pháp Y học hiện đại, phương pháp Y học cổ truyền cũng có nhiều đặc điểm nổi bật trong điều trị thoát bị đĩa đệm.

Xoa bóp bấm huyệt

Xoa bóp, bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm là liệu pháp sử dụng tay tác động lực lên các vị trí của huyệt đạo và gân khớp của bệnh nhân nhằm mục đích:

  • Giãn mạch, tăng khả năng lưu thông máu, góp phần chống viêm, giảm phù nề.
  • Cải thiện tình trạng co cứng cơ, gân, dây chằng, giúp các khớp dẻo dai, linh hoạt hơn.
  • Bên cạnh đó, các động tác xoa bóp sẽ giúp cho bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm ngăn ngừa được tình trạng thoái hóa cột sống nhờ vào các tác động tốt đến cột sống của người bệnh.

Châm cứu

Phương pháp châm cứu mang đến tác dụng khai thông khí huyết, khôi phục sự cân bằng của khí, để cơ thể sinh ra các phản ứng tự nhiên trong việc điều trị bệnh.

Châm cứu sẽ kích thích cơ thể sản sinh hormone giảm đau tự nhiên
Châm cứu sẽ kích thích cơ thể sản sinh hormone giảm đau tự nhiên

Đối với bệnh nhân thoát vị đĩa đệm, châm cứu sẽ kích thích cơ thể sản sinh hormone giảm đau tự nhiên, giúp bệnh nhân thoát vị đĩa đệm thuyên giảm rõ rệt các triệu chứng.

Thuốc Đông y

Ngoài 2 phương pháp không dùng thuốc là xoa bóp bấm huyệt và châm cứu, thuốc Đông y là phương pháp lành tính giúp hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm.

Một số bài thuốc Đông y ứng dụng trong điều trị thoát vị đĩa đệm có thể kể đến như:

Thể hàn thấp

  • Lâm sàng: bị đau ở vùng lưng với cảm giác nặng như có vật nặng đè lên, chân tay yếu và lạnh, cơn đau tăng khi thời tiết âm u hoặc lạnh, bớt đau khi chườm nóng, người bệnh thường đi tiểu nhiều và nước tiểu có màu trong, lưỡi nhạt màu, mạch trầm và tế.
  • Dược liệu: can khương, độc hoạt, phụ tử, cát căn, quế chi, xuyên ô, ma hoàng, cam thảo, tế tân.
  • Tùy từng trường hợp có thể kết hợp một số loại dược liệu khác.

Thể phong thấp

  • Lâm sàng: đau lưng có thể trên hoặc dưới hoặc cũng có thể cả hai, cơn đau có xu hướng lan xuống ngón chân, sợ lạnh, sợ gió, lưỡi có rêu vàng, mạch huyền và phù. Các triệu chứng này thay đổi theo thời tiết.
  • Dược liệu: thạch chi, tang ký sinh, đương quy, đẳng sâm, tần giao, phục linh, đỗ trọng, độc hoạt, phòng phong, xuyên khung, ngưu tất, bạch thược, cam thảo, nhục quế, tế tân.
  • Tùy từng trường hợp có thể kết hợp một số loại dược liệu khác.
Thuốc Đông y được kê phù hợp với từng dạng lâm sàng của bệnh nhân thoát vị đĩa đệm
Thuốc Đông y được kê phù hợp với từng dạng lâm sàng của bệnh nhân thoát vị đĩa đệm

Thể thấp nhiệt

  • Lâm sàng: đau và nóng ở thắt lưng, có khi còn bị sưng nặng ở vùng này, khó thực hiện động tác ngả người về sau hoặc cúi về trước, tiểu buốt và ít, nước tiểu vàng đậm, hay ra mồ hôi, cảm thấy bứt rứt trong người, rêu lưỡi màu vàng nhầy, thi thoảng bị táo bón, mạch hoạt hoặc sác.
  • Dược liệu: tần giao, xương truật, hoàng bá, ngưu tất, ý dĩ.
  • Tùy từng trường hợp có thể kết hợp một số loại dược liệu khác.

Thể thận hư

  • Lâm sàng: đau ê ẩm ở thắt lưng, cảm thấy yếu khi bước đi, đứng lâu chân muốn khụy xuống, dễ bị sốt về chiều, lưỡi đỏ, họng khô, hay ra mồ hôi trộm, khi xoa bóp hay nghỉ ngơi sẽ thấy dễ chịu nhưng khi cơ thể mệt mỏi thì các triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn.
  • Dược liệu: đỗ trọng, thục địa, sơn thù, ngưu tất, thỏ ty tử, kỳ tử, hoài sơn, tang ký sinh, cao quy bản, cao ban long.
  • Tùy từng trường hợp có thể kết hợp một số loại dược liệu khác.

Thể thận dương hư

  • Lâm sàng: lưng đau ê ẩm, được chườm ấm hoặc xoa bóp sẽ đỡ hơn, mất cảm giác hoặc tê ở lưng, lạnh lưng, tay chân lạnh và yếu khi vận động, sợ lạnh, hơi thở ngắn, da xanh, lưỡi nhạt và trắng, mạch không lực và trầm tế.
  • Dược liệu: thục địa, thỏ ty tử, tục đoạn, đỗ trọng, hoài sơn, kỷ tử, cao ban long, sơn thù, cẩu tích, đương quy, phụ tử.
  • Tùy từng trường hợp có thể kết hợp một số loại dược liệu khác.

Thể khí trệ huyết ứ

  • Lâm sàng: chân và lưng đau nhói một chỗ, xu hướng nặng hơn về đêm và nhẹ hơn vào buổi ngày, nếu ấn vào cột sống sẽ cảm thấy cơn đau rất khó chịu, có thể mất cảm giác ở chân nên di chuyển khó, lưỡi có vết ban đỏ hoặc màu đỏ tím, hay bị táo bón, mạch huyền và trầm.
  • Dược liệu: tục đoạn, xuyên khung, cốt toái bổ, hồng hoa, đào nhân, khương hoạt, đương quy, nhũ hương, địa long, tần giao, xương bồ, cam thảo.
  • Tùy từng trường hợp có thể kết hợp một số loại dược liệu khác.