Hội chứng ruột kích thích là bênh lý phổ biến về ruột, tuy lành tính nhưng gây ra không ít khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH LÀ GÌ?
Hội chứng ruột kích thích (Irritable Bowel Syndrome – IBS) là một tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, thường xuyên tái phát và gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Hội chứng ruột kích thích thường gặp ở độ tuổi thanh niên và trung niên từ 30 – 40 tuổi và giảm sau khi qua tuổi 50. Một số báo cáo thống kê cho thấy rằng hội chứng ruột kích thích thường gặp khoảng 10 – 22% dân số, đồng thời chiếm khoảng 25 – 50% số bệnh nhân đến khám ngoại trú với tỉ lệ nữ giới mắc bệnh nhiều hơn gấp 2 lần nam giới.
Triệu chứng của IBS bao gồm:
- Đau dạ dày hoặc đau quặn bụng – thường nặng hơn sau khi ăn và đỡ hơn sau khi đi đại tiện.
- Đầy hơi.
- Tiêu chảy – đi tiêu phân lỏng và đôi khi cần đi tiêu đột ngột.
- Táo bón – căng thẳng khi đi đại tiện và cảm thấy như không thể đi tiêu hết được.
Có những ngày các triệu chứng thuyên giảm và có những ngày chúng trở nên tồi tệ hơn (các cơn bùng phát). Các triệu chứng được kích hoạt bởi thức ăn hoặc đồ uống.
Ngoài ra, IBS cũng có thể gây ra:
- Xì hơi.
- Mệt mỏi và thiếu năng lượng.
- Đau mỏi cơ.
NGUYÊN NHÂN CỦA HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH
Nguyên nhân chính xác gây ra IBS vẫn chưa được xác định. Nhưng bệnh lý này có liên quan đến những thứ như:
- Thức ăn đi qua ruột quá nhanh hoặc quá chậm.
- Tăng độ nhạy cảm của ruột.
- Căng thẳng và lo lắng.
- Rối loạn nội tiết tố.
- Tiền sử gia đình mắc IBS.
- Một số loại thực phẩm, chẳng hạn như thức ăn cay hoặc béo, rượu bia, cà phê.
HẬU QUẢ CỦA HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH
Tuy là căn bệnh lành tính, không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, IBS sẽ làm ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng cuộc sống.
- Táo bón hoặc tiêu chảy mạn tính có thể gây ra bệnh trĩ.
- Chất lượng cuộc sống kém: IBS gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, điển hình là tiêu chảy, táo bón, chướng bụng, đau quặn bụng… ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc hàng ngày của người bệnh. Nhiều người bị IBS từ trung bình đến nặng cho biết chất lượng cuộc sống kém. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người mắc IBS phải nghỉ làm nhiều gấp ba lần so với những người không có triệu chứng đường ruột.
- Rối loạn tâm trạng: Trải qua các triệu chứng của IBS có thể dẫn đến trầm cảm hoặc lo lắng do không thể điều trị dứt điểm. Trầm cảm và lo lắng cũng có thể làm cho IBS trở nên tồi tệ hơn.
- Ngoài ra, khi bị bệnh, nếu kiêng khem nhiều loại thực phẩm thì cơ thể bệnh nhân sẽ không được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, dẫn đến suy yếu, mệt mỏi.
ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN
Hội chứng ruột kích thích theo Y học cổ truyền
Theo Y học cổ truyền (Đông y), hội chứng ruột kích thích được xếp vào các chứng: Tiết tả, Phúc thống, Phúc chướng, Táo kết,…
Nguyên nhân bệnh là do tình chí thất điều dẫn đến Can khí uất kết, từ đó khiến cho công năng giáng nạp và truyền tống của Tỳ Vị bị rối loạn. Ngoài ra, các nguyên nhân khác như tâm lý hoang mang, lo âu vì bệnh tật, tư tưởng không ổn định hoặc do ăn uống thất kiêng khem hay bất thường, không đúng cách cũng có thể dẫn đến chứng Tiết tả.
Các phương pháp điều trị
Thuốc Đông y
Tùy theo nguyên nhân và biểu hiện lâm sàng mà Đông y phân thành các thể bệnh khác nhau và dùng các bài thuốc gia giảm sao cho phù hợp.
Pháp trị chủ đạo vẫn là điều hòa chức năng Tỳ Vị, hành khí chỉ thống, chỉ tả (nếu đại tiện lỏng), nhuận tràng thông tiện (nếu đại tiện táo).
Châm cứu
Sử dụng các phương pháp như: hào châm, điện châm, nhĩ châm, cấy chỉ.
Mục đích: giúp tăng tuần hoàn máu, đồng thời giúp điều hòa nhu động ruột, hay tình trạng co thắt ở đại tràng.
Xoa bóp – Bấm huyệt
Mục đích: giúp giảm căng thẳng thần kinh, cải thiện một số triệu chứng do hội chứng ruột kích thích gây ra.
Tập luyện
Luyện ức chế thần kinh chủ động (thư giãn): các động tác thư giãn, thở 4 thời.
Cân bằng quá trình hưng phấn và ức chế: thở 4 thời.