Đột quỵ nhồi máu não là nguyên nhân gây ra hơn 80% các trường hợp đột quỵ. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có 15 triệu người bị đột quỵ, trong đó có 5 triệu người tử vong và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn.
NHỒI MÁU NÃO THEO Y HỌC HIỆN ĐẠI
Nhồi máu não là gì?
Đột quỵ (tai biến mạch máu não) gồm hai thể là đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ xuất huyết não. Trong đó, nhồi máu não hay còn gọi là thiếu máu não cục bộ phổ biến hơn, chiếm hơn 80% các trường hợp đột quỵ.
Nhồi máu não xảy ra khi một cục máu đông (huyết khối) gây tắc nghẽn động mạch cung cấp máu cho não, làm dòng máu đột ngột giảm hoặc ngưng lưu thông đến một khu vực của não, tế bào não thiếu oxy và chết đi dẫn đến mất chức năng thần kinh tương ứng.
Nhồi máu não có 3 thể chính:
- Nhồi máu não động mạch lớn
- Nhồi máu não động mạch nhỏ (nhồi máu ổ khuyết)
- Nhồi máu não do cục tắc (emboli) di chuyển từ tim
Nguyên nhân gây ra nhồi máu não
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra nhồi máu não, chủ yếu là do tắc nghẽn động mạch cung cấp máu cho não, làm mất chức năng thần kinh tương ứng.
Nguyên nhân gây nhồi máu não động mạch lớn
Trong nhồi máu não do tắc động mạch lớn, nguyên nhân chính là do tình trạng xơ vữa các động mạch cảnh, động mạch sống nền hoặc động mạch não. Khi các mảng xơ vữa tại một trong các động mạch này vỡ ra sẽ tạo điều kiện hình thành cục máu đông che lấp lòng mạch, làm giảm hoặc chặn hoàn toàn dòng máu lưu thông đến não.
Tuy nhiên, tắc động mạch lớn cũng có thể do huyết khối từ tim (do hẹp van hai lá, rung nhĩ…). Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây tái phát đột quỵ nhồi máu não.
Nguyên nhân gây nhồi máu não động mạch nhỏ
Nhồi máu ổ khuyết xảy ra do tắc động mạch nhỏ, thường là những động mạch xuyên nằm sâu trong não. Nguyên nhân gây tắc thường do bệnh lý mạch máu và liên quan chặt chẽ với tình trạng tăng huyết áp. Các nguyên nhân thường gặp là:
- Mảnh vữa xơ nhỏ
- Nhiễm lipo hyalin
- Hoại tử dạng fibrin thứ phát sau tăng huyết áp hoặc viêm mạch
- Vữa xơ động mạch hyaline
- Bệnh mạch máu amyloid
- Bệnh lý mạch máu khác
Nguyên nhân gây nhồi máu não do cục tắc từ tim
Trong trường hợp nhồi máu não do cục tắc từ tim, nguyên nhân thường do các bệnh lý tim mạch gây ra huyết khối. Huyết khối hoặc mảnh vỡ huyết khối từ tim di chuyển theo mạch máu lên não cho đến khi tới một mạch máu quá nhỏ để đi qua, dòng máu bị tắc nghẽn và gây đột quỵ nhồi máu não. Cục tắc từ tim hay gặp trong các bệnh lý:
- Bệnh van tim: Hẹp van hai lá, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, van tim nhân tạo
- Nhồi máu cơ tim
- Rung nhĩ
- Bệnh cơ tim giãn
- Suy tim sung huyết nặng
- U nhầy nhĩ trái
Ngoài ra, có một số trường hợp nhồi máu não không xác định được nguyên nhân.
Yếu tố nguy cơ gây nhồi máu não
Ngoài những nguyên nhân xác định và không xác định gây ra nhồi máu não, còn tồn tại các yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến căn bệnh này.
Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ không thể thay đổi:
- Tuổi: Nguy cơ tăng theo tuổi, nhất là người trên 65 tuổi.
- Chủng tộc: Người Nam Á và da màu châu Phi có nguy cơ cao hơn.
- Giới tính: Đàn ông có nguy cơ cao hơn phụ nữ, nhưng phụ nữ có tỷ lệ tử vong cao hơn.
- Di truyền: Gia đình có người bị đột quỵ hoặc thiếu máu não thoáng qua
- Tiền sử đau nửa đầu kiểu migraine
- Loạn sản xơ cơ
Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ có thể thay đổi:
- Tăng huyết áp
- Đái tháo đường (tiểu đường)
- Bệnh tim: rung nhĩ, bệnh van tim, suy tim, hẹp van hai lá, bệnh tim bẩm sinh, giãn tâm nhĩ, giãn tâm thất.
- Rối loạn lipid máu (mỡ máu)
- Tiền sử bị cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA)
- Hẹp động mạch cảnh
- Tăng homocystein máu
- Uống rượu quá mức
- Hút thuốc lá
- Sử dụng ma túy
- Ít vận động
- Béo phì
- Dùng thuốc tránh thai hoặc dùng hormone sau mãn kinh
- Bệnh hồng cầu hình liềm
Triệu chứng của nhồi máu não
Theo hướng dẫn của Hội Đột quỵ Hoa Kỳ (ASA), người ta sẽ sử dụng thuật ngữ “B.E.F.A.S.T” để nhận ra dấu hiệu đột quỵ.
- Balance – Cân bằng: đột nhiên gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng hoặc phối hợp cơ thể
- Eyes – Mắt: mờ hoặc mất thị lực ở một bên hoặc cả hai bên mắt
- Face – Khuôn mặt: mặt méo xệ một bên, hoặc miệng méo sụp xuống. Lúc này hãy yêu cầu người đó cười, nếu họ không thể cười, đó là một dấu hiệu đột quỵ
- Arm – Cánh tay: tê hoặc yếu cánh tay là một dấu hiệu cảnh báo đột quỵ. Hãy yêu cầu người đó thử giơ một hoặc cả hai cánh tay lên. Nếu họ không giơ tay lên được, một bên yếu hơn bên còn lại hoặc cánh tay bị rơi xuống, đó là dấu hiệu cảnh báo
- Speech – Ngôn ngữ: Yêu cầu người đó lặp lại một cụm từ. Nếu họ nói không lưu loát, bị ngọng so với bình thường, có thể chỉ ra rằng người đó đang bị đột quỵ
- Time – Thời gian: Nếu ai đó đang có các dấu hiệu trên, hãy đưa họ đến cơ y tế có khả năng điều trị đột quỵ nhanh nhất có thể
Di chứng sau nhồi máu não
Nhồi máu não có thể gây ra tổn thương não vĩnh viễn và dẫn đến các di chứng nghiêm trọng.
Liệt vận động
Người trải qua cơn nhồi máu não có thể xảy ra các biến chứng gây hạn chế vận động như liệt nửa người hoặc liệt chân, tay,… Trong những trường hợp này, người bệnh cần sự trợ giúp của gia đình trong mọi hoạt động sinh hoạt, ăn uống, và tắm giặt.
Rối loạn ngôn ngữ
Ngôn ngữ có thể bị rối loạn sau một cơn nhồi máu não. Cụ thể là người bệnh chỉ có thể nói rất ít từ, bị nói ngọng, thậm chí không nói được, nguyên nhân là do vùng não đảm nhận chức năng ngôn ngữ đã bị tổn thương do không được điều trị kịp thời.
Suy giảm nhận thức
Người bị tai biến mạch máu não có thể bị mất trí nhớ, suy giảm khả năng nhận thức. Nhiều người rất lâu mới có thể phục hồi và khó có thể làm những công việc yêu cầu trí tuệ minh mẫn cũng như độ phức tạp nhiều như trước đây.
Cần cải thiện trí nhớ và tư duy của họ bằng việc đọc sách báo, đố vui, tham gia các hoạt động xã hội.
Mắt nhìn mờ
Đây là rối loạn thị giác sau tai biến. Khi xảy ra tai biến, nhiều người có dấu hiệu mờ một bên hoặc cả hai bên mắt.
Rối loạn tiểu tiện
Người bị tai biến có thể xảy ra tiểu tiện không tự chủ. Người nhà cần chăm sóc, đảm bảo khâu vệ sinh thật tốt là cách để phòng tránh tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu,… và giúp tinh thần người bị tai biến luôn thoải mái vì cơ thể sạch sẽ.
NHỒI MÁU NÃO THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN
Y học cổ truyền mô tả triệu chứng bệnh thuộc phạm trù trúng phong, đột trúng, thiên khô. Do diễn biến sau khi mắc bệnh nói chung ý thức bệnh nhân tỉnh nên thường xếp độ quỵ nhồi máu não thuộc thể trúng kinh lạc.
Nguyên nhân gây bệnh nhồi máu não
Các nguyên nhân liên quan đến tình chí cáu giận, ngũ chí quá cực; ăn uống không điều độ, ăn nhiều đồ cay béo ngọt làm rối loạn chức năng tỳ vị, tụ thấp thành đàm, đàm uất hóa hỏa; lao động quá sức, nuôi dưỡng không đầy đủ làm âm huyết hao thoát, hư dương hóa phong; khí hậu biến hóa, hàn tà xâm nhập làm ảnh hưởng vận hành khí huyết gây nên bệnh.
- Ăn uống không điều độ, ăn nhiều đồ cay béo ngọt làm rối loạn chức năng tỳ vị, tụ thấp thành đàm, đàm uất hóa hỏa, dẫn động can phong, hiệp đàm thượng nhiễu gây nên bệnh.
- Lao động quá sức, nuôi dưỡng không đầy đủ làm âm huyết hao thoát, hư dương hóa phong, nhiễu động gây nên bệnh
- Khí hậu biến hóa, hàn tà xâm nhập làm ảnh hưởng vận hành khí huyết gây nên bệnh.
Cơ chế bệnh sinh
Can thận âm hư, phong dương thượng nhiễu: can thận âm hư, thủy không hàm mộc, âm hao phía dưới, dương vượt lên trên, can dương hóa phong làm nhiễu động khí huyết, huyết thuận theo khí nghịch, ứ trệ bưng bít thanh khiếu gây nên bệnh.
Đàm trọc hỗ kết, đàm ứ trệ lạc: rối loạn vận hóa trung tiêu, khí nhược nên chức năng khởi động suy giảm làm huyết ứ khí trệ, rối loạn kiện vận của tỳ làm thấp trệ sinh đàm. Đàm và thấp đình trệ gây rối loạn vận hành khí huyết sinh ra huyết ứ trệ lạc.
Khí không vận huyết, huyết ứ trệ lạc: khí hư nên không thúc đẩy được vận hành huyết dịch làm cho huyết ngưng thành ứ, trở trệ mạch lạc gây nên bệnh.
Phong đàm thượng nhiễu, đàm nhiệt phủ thực: đàm trọc đình trệ, uất lâu hóa nhiệt, nhiệt tinh động phong hoặc do bẩm tố đàm thịnh, đàm nhiệt nội uẩn, hoặc dô bẩm tố can dương vượng hun đốt dịch thành đàm, can phong hiệp đàm và hiệp hỏa hoành nghịch kinh lạc, bưng bít thanh khiếu gây đột nhiên hôn mê, liệt nửa người.
Tóm lại là do phong (can phong), hỏa (can hỏa, tâm hỏa), đàm (thấp đàm, phong đàm), khí (khí hư, khí huyết), huyết (huyết hư, huyết ứ) các nhân tố này ảnh hưởng lẫn nhau, khi gặp yếu tố thuận lợi (cáu giận) làm đột ngột phát bệnh.
Biện chứng
- Mạch lạc không hư, kinh mạch ứ trệ
- Phong đàm thượng nhiễu, đàm nhiệt phủ thực
- Can thận âm hư, can dương thượng cang
- Khí hư huyết ứ
- Can thận âm hư, phong đàm thượng nhiễu
- Tỳ hư đàm thấp, đàm trọc thượng nhiễu
Căn cứ biện chứng
- Bệnh thuộc bản hư tiêu thực.
- Tiêu thực là phong, hỏa, đàm, thấp, khí hư huyết trệ.
- Bản hư là khí huyết hao hư, can thận âm hư, nhất là thận âm hư không nuôi dưỡng được can làm can dương thượng cang, huyết thuận theo khí nghịch gây nên bệnh.
Điều trị nhồi máu não bằng Y học cổ truyền
Tùy vào các triệu chứng lâm sàng của người bệnh mà các Bác sĩ YHCT sẽ đưa ra pháp điều trị phù hợp.
Mạch lạc không hư, kinh mạch ứ trệ
- Lâm sàng: đột ngột liệt nửa người, miệng méo, mắt lệch, miệng chảy dãi, giảm cảm giác nửa người, chân tay tê bì, co quắp chân tay, có thể nói khó, chất lưỡi có thể bình thường hoặc ám tối, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch huyền tế.
- Pháp điều trị: dưỡng huyết hoạt huyết, khứ phong thông lạc.
- Bài thuốc: Đại tần giao thang gia vị.
Pháp bình can thông lạc, hóa đàm thanh phủ.
- Bài thuốc: Ôn đởm thang phối hợp Tam hóa thang gia vị.
Pháp bình can tức phong, ngoan đàm khai khiếu
- Bài thuốc: Linh dương câu đằng thang gia vị
Can thận âm hư, can dương thượng cang
- Lâm sàng: đau đầu, chóng mặt, khô miệng, ù tai, ngủ ít, ngủ hay mê, liệt nửa người, chân tay tê bì, nói khó, méo miệng, đại tiểu tiện bí, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi ít, mạch huyền tế sác.
- Pháp điều trị: tư thận dưỡng can, tức phong thông lạc.
- Phương thuốc: Thiên ma câu đằng ẩm gia vị.
Khí hư huyết ứ
- Lâm sàng: mệt mỏi vô lực, hồi hộp, trống ngực, liệt nửa người, chân tay mềm yếu, tê bì, méo miệng, chảy dãi nhiều, nói khó, chân tay sưng nề, đại tiện loãng hoặc bí đại tiện, chất lưỡi nhợt hoặc tím, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc trắng nhớp, mạch tế sáp.
- Pháp điều trị: ích khí hoạt huyết,
- Bài thuốc: Bổ dương hoàn ngũ thang gia vị.
Sử dụng thuốc thành phẩm
- Hoa đà tái tạo hoàn, đại hoạt lạc đan.
Châm cứu
Pháp trừ phong thông lạc: kiên ngung, khúc trì, thủ tam lý, ngoại quan, thái xung.
- Nếu nói khó thì châm liêm tuyền, á môn.
- Nếu chảy dãi nhiều thì châm địa thương, ngoại kim tân, ngoại ngọc dịch.
- Nếu méo miệng thì châm địa thương, hợp cốc, thái xung, nghênh hương.
- Nếu chóng mặt thì châm phong trì, bách hội, túc tam lý, nội quan, phong long.
- Nếu do can dương thượng cang gây chóng mặt thì châm thái xung, can du.
Nhĩ châm: điểm tâm, điểm dưới vỏ, thần môn, não, các điểm tương ứng với chi thể.
Nên kết hợp chặt chẽ phương pháp Y học cổ truyền với Y học hiện đại trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhồi máu não để mang đến kết quả hồi phục tốt nhất.