Hội chứng suy nhược mạn tính là cảm giác mệt mỏi tột độ khi căng thẳng tích tụ trong thời gian dài, mặc dù đã nghỉ ngơi nhưng người bệnh vẫn thấy uể oải, kiệt sức. Ngoài làm mất đi năng lượng trong cuộc sống, nếu tình trạng này kéo dài lâu dài sẽ gây ra những tổn hại nguy hiểm cho cơ thể.

HỘI CHỨNG SUY NHƯỢC MẠN TÍNH LÀ GÌ?

“Hội chứng suy nhược mạn tính” (Chronic Fatigue Syndrome – CFS) là một tình trạng bệnh lý với nhiều triệu chứng khác nhau, có thể xảy ra đột ngột và kéo dài nhiều năm.

Khác với mệt mỏi thông thường, CFS gây ra cảm giác mệt mỏi cực độ, suy kiệt cả về thể chất lẫn tinh thần, kéo dài ít nhất 6 tháng ở người lớn và 3 tháng ở tháng ở tuổi thanh thiếu niên.

Hội chứng này ảnh hưởng đến phụ nữ hơn nam giới và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng tỷ lệ mắc cao nhất ở những người từ 40 đến 60 tuổi.

TRIỆU CHỨNG CỦA HỘI CHỨNG SUY NHƯỢC MẠN TÍNH

Triệu chứng chính của CFS là cảm giác mệt mỏi nghiêm trọng xảy ra đột ngột và kéo dài. Ngoài ra cũng còn một số triệu chứng khác, bao gồm:

  • Mệt mỏi nghiêm trọng xảy ra đột ngột.
  • Chán ăn, ăn không ngon miệng, đầy bụng, khó tiêu.
  • Người gầy, sụt cân, da xanh xao.
  • Ngủ không sâu giấc hoặc mất ngủ.
  • Mất tập trung, trí nhớ kém.
  • Đau đầu, hoa mắt chóng mặt.
  • Đau nhức cơ, đau mỏi cơ khớp (không có biểu hiện viêm).
  • Rối loạn lo âu: cảm giác bồn chồn, khó chịu trong cơ thể, lo sợ, bi quan.

NGUYÊN NHÂN GÂY RA HỘI CHỨNG SUY NHƯỢC MẠN TÍNH

Hiện nay, nguyên nhân của hội chứng bệnh lý này vẫn chưa được xác định. Một số giả thuyết về nguyên nhân được đưa ra như:

  • Nhiễm trùng như nhiễm virus Eptein-Barr, Herpes 6, HIV/AIDS,…
  • Rối loạn miễn dịch: các bất thường về hệ thống miễn dịch gây suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể.
  • Rối loạn nội tiết: mất cân bằng nồng độ các hormone trong máu do mắc một số bệnh nội tiết.
  • Lo lắng, căng thẳng, áp lực tinh thần quá mức trong thời gian dài.
  • Yếu tố di truyền do bất thường trong cấu trúc của một số gen nhất định.
  • Mắc các bệnh mạn tính, sau phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc liên quan đến tác dụng phụ của một số thuốc.

ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG SUY NHƯỢC MẠN TÍNH BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Hội chứng suy nhược mạn tính theo Y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền (Đông y), hội chứng này thuộc phạm trù “Hư lao” (còn gọi là hư tổn), có những nguyên nhân chính sau đây:

  • Do thất tình: tinh thần mệt mỏi do ưu uất, lo nghĩ quá nhiều.
  • Do mắc bệnh nặng lâu ngày hoặc có bệnh mạn tính.
  • Do cơ địa yếu: tiên thiên bất túc (không đầy đủ).
  • Do phiền lao quá độ mà tổn thương ngũ tạng: lao động trí óc và lao động chân tay quá độ có thể tổn hại đến sức khỏe.

Cách điều trị bằng Y học cổ truyền

Những năm trở lại đây, ngày càng có nhiều có nhiều người tìm đến phương pháp Y học cổ truyền (Đông Y) để xóa bỏ căn bệnh suy nhược mạn tính. Trong phương pháp Đông y, có thể phối hợp nhiều phương pháp như thuốc, châm cứu, xoa bóp, dưỡng sinh để điều trị bệnh lý này.

Thuốc Đông y

Tùy vào thể lâm sàng của người bị CFS mà các Bác sĩ sẽ đưa ra phương thuốc phù hợp.

  • Thể Âm hư hỏa vượng: dùng bài Đơn chi tiêu dao hoặc Kỷ cúc địa hoàng hoàn.
  • Thể Can Thận âm hư: dùng bài Lục vị địa hoàng hoàn gia quy thược hoặc Bổ can thận.
  • Thể Tâm Tỳ hư: dùng bài Quy tỳ thang hoặc Phục mạch thang.
  • Thể Thận dương hư: dùng bài Thận khí hoàn hoặc Hữu quy ẩm.

Châm cứu

Một số bằng chứng cho thấy phương pháp châm cứu làm tăng cường hệ miễn dịch, có thể giúp người bị CFS có giấc ngủ ngon hơn, từ đó làm giảm áp lực, mệt mỏi và cải thiện tinh thần.

Xoa bóp – Bấm huyệt

Xoa bóp trị liệu kết hợp bấm huyệt có thể làm giảm các triệu chứng liên quan đến căng thẳng (stress), cải thiện lưu thông và làm tăng cảm giác hạnh phúc.

Dưỡng sinh

Những phương pháp tập luyện dưỡng sinh như thư giãn, thở sâu, thở 4 thời có kê mông và giơ chân giúp giảm căng thẳng cho người bị CFS.

CHẾ ĐỘ SINH HOẠT CHO NGƯỜI BỊ HỘI CHỨNG SUY NHƯỢC MẠN TÍNH

Mặc dù không có thuốc chữa bệnh đặc hiệu, người mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính có thể được điều trị triệu chứng bằng các loại thuốc chống trầm cảm, chống lo âu, thuốc giảm đau, chống viêm giúp giãn cơ bắp và giảm đau khớp.

Ngoài ra, chế độ sinh hoạt khoa học và lành mạnh cũng góp phần lớn trong quá trình điều trị hội chứng bệnh lý này:

  • Chế độ ăn uống lành mạnh và sử dụng các loại thảo mộc và bổ sung các vi chất có thể giúp giảm các triệu chứng suy nhược và cải thiện năng lượng tổng thể. Tránh các loại thực phẩm tinh chế, đường, cà phê, rượu và chất béo bão hòa. Ăn rau tươi, đặc biệt là rau cải, súp lơ, bí đỏ, đậu hà lan, cà rốt, các loại đậu, trái cây, ngũ cốc, protein và các acid béo có trong các loại hạt và cá nước ngọt.
  • Tập thể dục thường xuyên: nghiên cứu cho thấy, người bị CFS thường xuyên tập thể dục có ít triệu chứng hơn so với những người không tập thể dục.
  • Giảm căng thẳng: căng thẳng có thể làm cho các triệu chứng của CFS tồi tệ hơn. Thiền định, yoga hoặc thở sâu giúp thư giãn.