Suy giãn tĩnh mạch được đánh giá là một căn bệnh lành tính, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu chủ quan không điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng cho người bệnh. Hiện nay, tỉ lệ gia tăng người mắc bệnh lý suy giãn tĩnh mạch ngày càng gia tăng và trẻ hóa.

SUY GIÃN TĨNH MẠCH LÀ GÌ?

Thuật ngữ bệnh tĩnh mạch mạn tính được định nghĩa là bất kỳ những bất thường về hình thái và chức năng của hệ thống tĩnh mạch trong thời gian dài biểu hiện bằng các triệu chức và/hoặc dấu hiệu gợi ý cần phải được thăm khám và/hoặc chăm sóc.

Thuật ngữ suy tĩnh mạch mạn (chronic venous insufficiency) được dành cho bệnh tĩnh mạch mạn tiến triển, biểu hiện bất thường về chức năng của hệ thống tĩnh mạch gây phù, thay đổi ở da hoặc loét tĩnh mạch, tương ứng với C3 – C6 theo phân loại CEAP.

Dấu hiệu phổ biến của suy giãn tĩnh mạch: các tĩnh mạch ở chân giãn, nổi ngoằn ngoèo
Dấu hiệu phổ biến của suy giãn tĩnh mạch: các tĩnh mạch ở chân giãn, nổi ngoằn ngoèo

Triệu chứng thường thấy khi đứng hoặc ngồi lâu:

  • Cảm giác nặng, mỏi chân.
  • Sưng nặng hai chân.
  • Ngứa da.
  • Vọp bẻ (chuột rút) nhất là về đêm.
  • Cảm giác bỏng rát, đau như dao đâm.
  • Các tĩnh mạch ở chân giãn, nổi ngoằn ngoèo.

Tuy nhiên, bệnh tĩnh mạch mạn có thể không có triệu chứng ngay cả khi có giãn tĩnh mạch hoặc ở phân loại C4 và C5 theo CEAP.

NGUYÊN NHÂN GÂY SUY GIÃN TĨNH MẠCH

Các yếu tố nguy cơ của bệnh tĩnh mạch mạn bao gồm: nữ giới, tuổi, có thai, béo phì, công việc phải đứng lâu và tiền sử gia đình có người bị bệnh.

Cơ chế bệnh sinh của bệnh tĩnh mạch mạn tính xảy ra trong các tĩnh mạch nông và sâu, sau đó là vi tuần hoàn và mô xung quanh da. Ban đầu các tĩnh mạch nông thay đổi cấu trúc van và thành mạch, dẫn đến thay đổi trương lực vận mạch và trào ngược dòng máu. Kế đến là sự tái cấu trúc mạch máu, mất các mô liên kết cũng như xơ hóa tĩnh mạch làm khởi phát hiện tượng viêm. Các tế bào nội mô mạch máu đóng vai trò quan trọng trong dòng thác gây viêm, và hậu quả là những thay đổi trên da (thay đổi màu sắc, thiểu dưỡng, loét…) và dẫn đến đến CVD.

Béo phì là một trong những nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch
Béo phì là một trong những nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch

BIẾN CHỨNG CỦA SUY GIÃN TĨNH MẠCH

Các biến chứng thường gặp là hậu quả của việc dòng máu bị ứ đọng dẫn đến sự hình thành huyết khối, bao gồm:

  • Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới: chân đột ngột sưng, đau nhức dữ dội, vùng da tím tái.
  • Thuyên tắc phổi: đột ngột đau ngực, khó thở
  • Xuất huyết
  • Loét tĩnh mạch

ĐIỀU TRỊ SUY GIÃN TĨNH MẠCH NHƯ THẾ NÀO?

Y học hiện đại

Thay đổi lối sống: vận động thường xuyên, tránh đứng quá lâu, kê cao chân khi nghỉ, hạn chế mang giày cao gót, tránh môi trường nóng bức. Giảm cân nếu có thừa cân béo phì.

Tập luyện: nếu làm việc ở tư thế ngồi kéo dài, có thể tập các bài tập như nâng cẳng chân, gập mu bàn chân, nhón mũi chân. Nếu ở tư thế đứng có thể tập đi bằng gót chân hoặc đi nhón chân. Ở tư thế nằm thì tập đạp xe đạp.

Liệu pháp ép: vớ áp lực đàn hồi, băng đàn hồi và không đàn hồi, băng ép có thể điều chỉnh, thiết bị bơm hơi áp lực ngắt quãng. Vớ áp lực có hiệu quả trong việc giảm phù chân do tĩnh mạch, nên lựa chọn vớ tạo áp lực từ 20 – 40 mmHg. Ngoài ra nó còn làm giảm xơ chai da ở những bệnh nhân có xơ mỡ thượng bì (CEAP C4b). Tuy nhiên liệu pháp này lại chống chỉ định ở những người suy tim nặng (NYHA IV), dị ứng với vật liệu băng ép, bệnh thần kinh ĐTĐ gây mất cảm giác hoặc bệnh vi mạch có nguy cơ hoại tử da.

Hạn chế mang giày cao gót để giảm nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch
Hạn chế mang giày cao gót để giảm nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch

Dùng thuốc: các thuốc hoạt mạch (venoactive drugs) bao gồm hai nhóm: các thuốc tự nhiên và tổng hợp. Cơ chế tác dụng chủ yếu của nó là giảm tính thấm mao mạch, giảm giải phóng các yếu tố gây viêm, hoặc cải thiện trương lực tĩnh mạch. Các nghiên cứu cho thấy các thuốc hoạt mạch có hiệu quả làm giảm đau, vọp bẻ, chân không yên, dị cảm, phù. Các chiết xuất tự nhiên thường được sử dụng bao gồm:

  • Chiết xuất từ rễ cây đậu chổi (Ruscus aculeatus)
  • Các phân đoạn flavonoid vi hạt tinh chế (MPFF): hay còn được biết đến với tên thương mại là Daflon hoặc Detralex.
  • Canxi Dobesilate: là muối của canxi với acid dobesilic
  • Chiết xuất hạt dẻ ngựa
  • Hydroxyethylrutosides: là một hỗn hợp có nguồn gốc từ rutin
  • Chiết xuất lá nho đỏ

Y học cổ truyền

Trong Y học cổ truyền, giãn tĩnh mạch được y học cổ truyền mô tả trong chứng Cân lựu (chứng gân xanh tím xoắn lại từng hòn, kết thành như con giun nổi lên ở vùng bụng chân).

Nguyên nhân gây bệnh trong Y học cổ truyền cũng tương tự như Y học hiện đại. Cơ chế bệnh sinh chứng cân lựu có liên quan mật thiết đến đàm thấp (sưng, nặng, mỏi), huyết ứ (đỏ bầm, xanh tím, xuất huyết, loét da), khí huyết hư (da tê bì, lạnh, ngứa, thay đổi màu sắc da). Nếu tình trạng đàm thấp và huyết ứ lâu ngày kéo dài hóa nhiệt gây triệu chứng bỏng rát, bứt rứt (hội chứng chân không yên).

Hợp chất rutin là một flavonoid có trong các vị thuốc Y học cổ truyền đã được chứng minh có tác dụng bảo vệ thành mạch máu, ngăn ngừa tình trạng kết dính tiểu cầu và giảm tính thấm thành mạch. Ở Việt Nam rutin có nhiều trong vị thuốc hoa hòe và tam giác mạch, có tác dụng hỗ trợ điều trị các triệu chứng trong suy giãn tĩnh mạch.

Tùy vào thể lâm sàng của người bệnh mà thầy thuốc sử dụng thuốc Y học cổ truyền cho phù hợp. Các bài thuốc được phối ngũ dựa trên cơ chế bệnh sinh của chứng Cân lựu, đàm thấp thì lợi thủy thẩm thấp, huyết ứ thì hành khí hoạt huyết hóa ứ, khí huyết hư thì bổ khí huyết thông lại.

Thể khí trệ huyết ứ

  • Pháp trị: hành khí hoạt huyết hóa ứ.
  • Bài thuốc: huyết phủ trục ứ gia giảm hoặc Đào hồng tứ vật thang: Xuyên khung, đương quy, xích thược, sinh địa, đào nhân, hồng hoa, sài hồ, chỉ xác, cát cánh, ngưu tất.

Thể khí hư thấp trệ

  • Pháp trị: bổ khí, hành khí lợi thấp.
  • Bài thuốc: bổ trung ích khí gia giảm: Đảng sâm, hoàng kỳ, đương quy, bạch truật, cam thảo, trần bì, sài hồ, thăng ma, thổ phục linh, ý dĩ.

Khí huyết lưỡng hư

  • Pháp trị: bổ khí huyết, hành khí hoạt huyết.
  • Bài thuốc: Bát trân thang gia giảm: Đảng sâm, phục linh, bạch truật, cam thảo, đương quy, xuyên khung, bạch thược, thục địa, xa tiền tử, thổ phục linh.

Tại Ánh An Healthcare, việc phối hợp Y học Cổ truyền với các phương pháp hiện đại của Vật lý trị liệu – Phục hồi Chức năng giúp gia tăng hiệu quả điều trị, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí.

Tham khảo: BS. CKII. Trần Văn Năm