Theo Tổ chức Y tế Thế Giới WHO (2016), trên thế giới có hơn 1.9 tỉ người thừa cân, trong đó có hơn 650 triệu người bị béo phì. Tỉ lệ này tăng gần gấp 3 lần kể từ năm 1975. Điểm đặc biệt là ở lứa tuổi ngoài 30, cứ 10 phụ nữ thì có 1 người béo phì. Bước sang tuổi 40, tỉ lệ này là 6 người phụ nữ thì có một người béo phì.
THỪA CÂN – BÉO PHÌ LÀ GÌ?
Thừa cân – Béo phì là tình trạng tích lũy khối mỡ vượt quá bình thường của cơ thể và gây tác động xấu đến sức khỏe.
Có 3 dạng béo phì thường gặp:
Béo phì dạng nam
Béo phì dạng nam (Android obesity = male pattern) là dạng béo phì kiểu bụng, béo phì kiểu trung tâm. Vóc người ở dạng này sẽ có hình “quả táo”, phân bố mỡ ưu thế ở phần cao trên rốn như: gáy, cổ, mặt, vai, cánh tay, ngực, bụng trên rốn.
Tích lũy mỡ ở kiểu hình này làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và bệnh tim thiếu máu cục bộ so với tích lũy mỡ ở phần dưới cơ thể (mông, đùi).
Béo phì dạng nữ
Béo phì dạng nữ (Gynoid obesity = female pattern) sẽ có vóc người có dạng hình “quả lê”, phân bố mỡ ưu thế phần dưới rốn đùi, mông, cẳng chân.
Kiểu thừa cân, béo phì này ít nguy cơ bệnh tật hơn.
Béo phì hỗn hợp
Ở dạng này, mỡ phân bố khá đồng đều và các trường hợp quá béo phì thường là béo phì hỗn hợp.
CÁCH CHẨN ĐOÁN BÉO PHÌ
Chẩn đoán béo phì theo BMI
Việc chẩn đoán phân loại béo phì được dựa trên chỉ số cơ thể (Body Mass Index – BMI), BMI được tính theo công thức:
BMI = Cân nặng (kg) / (Chiều cao (m) * Chiều cao (m))
BMI càng cao thì nguy cơ phát triển các bệnh đồng mắc càng tăng. Mặt khác, các nghiên cứu cho thấy nguy cơ phát triển bệnh đồng mắc ở người châu Á xuất hiện ở mức BMI thấp hơn so với người châu Âu hoặc người Mỹ.
Mức BMI nào thì có nguy cơ mắc bệnh béo phì?
Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, BMI càng cao thì nguy cơ phát triển các bệnh đồng mắc càng tăng. Mặt khác, các nghiên cứu cho thấy nguy cơ phát triển bệnh đồng mắc ở người châu Á xuất hiện ở mức BMI thấp hơn so với người châu Âu hoặc người Mỹ. Tuy nhiên BMI được áp dụng phổ biến vì sự tiện lợi, an toàn, chi phí thấp và dễ áp dụng rộng rãi.
Phân loại | BMI (kg/m2) | Nguy cơ tiến triển bệnh | |
Người Âu Mỹ | Người Châu Á | ||
Nhẹ cân | <18,5 | <18,5 | Bắt đầu tăng |
Bình thường | 18,5 – 24,9 | 18,5 – 22,9 | Bình thường |
Thừa cân | 25 – 29,9 | 23 – 24,9 | Bắt đầu tăng |
Béo phì độ I | 30 – 34,9 | 25 – 29,9 | Cao |
Béo phì độ II | 35 – 39,9 | ≥ 30 | Rất cao |
Béo phì độ III | ≥ 40 | Nghiêm trọng |
Chỉ số WHR
Chỉ số eo hông là kỹ thuật đánh giá nhân trắc hiện nay giúp đánh giá sự phân bố mỡ trong cơ thể. Việc kết hợp đo chu vi vòng eo với BMI cung cấp cái nhìn rõ hơn về sự phân bố mỡ khi đo lường một bệnh nhân béo phì. Các nghiên cứu đã chứng minh mối liên quan chặt chẽ giữa chu vi vòng eo và BMI với bệnh lý tim mạch và đái tháo đường type 2.
Chỉ số eo/hông WHR được tính bằng công thức sau:
WHR = Vòng eo (cm) / Vòng mông (cm)
Nam | Nữ | Mức nguy hiểm đến sức khỏe |
0,9 | 0,7 | Không nguy hiểm (sức khỏe tốt) |
0,9 – 0,95 | 0,7 – 0,8 | Ít |
0,96 – 1 | 0,81 – 0,85 | Trung bình |
>1 | >0,85 | Cao (rất nguy hiểm) |
NGUYÊN NHÂN GÂY THỪA CÂN – BÉO PHÌ
Cơ chế bệnh sinh chính là sự rối loạn cân bằng năng lượng trong cơ thể, tạo ra cân bằng năng lượng dương do tăng lượng ăn vào, giảm lượng tiệu thụ hoặc cả hai. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì bao gồm:
- Yếu tố di truyền: người ta đã ghi nhận 11 dạng đột biến đơn gen gây béo phì, trong đó nổi bật là đột biến thiếu các thụ thể Leptin và Melanocortin. Nghiên cứu từ các cặp sinh đôi và các gia đình có người béo phì cho thấy tỉ lệ di truyền của BMI rất cao, dao động từ 40 – 70 %.
- Cung cấp năng lượt vượt quá mức tiêu thụ của cơ thể: ăn thức ăn giàu năng lượng (chất béo), ít hoạt động thể lực, lối sống tĩnh tại
- Dùng thuốc: một số thuốc có tác dụng phụ làm tăng cân như thuốc điều trị đái tháo đường, thuốc điều trị động kinh…
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Hội chứng cushing
- Suy chức năng tuyến giáp
- U tụy nội tiết
- U sọ hầu
- Thiếu hormon tăng trưởng
- Và những lý do khác
THỪA CÂN – BÉO PHÌ GÂY RA HẬU QUẢ GÌ?
Bên cạnh làm ngoại hình xuống cấp, làm người bệnh cảm thấy tự ti, thừa cân béo phì còn gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh.
Các rối loạn nội tiết chuyển hóa: Đề kháng insulin, rối loạn lipid máu, đái tháo đường
- Tim mạch: tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim sung huyết, đột quỵ.
- Hô hấp: hội chứng ngưng thở khi ngủ.
- Tiêu hóa: trào ngược dạ dày thực quản, sỏi mật, viêm tụy, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
- Cơ xương khớp: thoái hóa khớp, bệnh gút,…
- Ung thư: ung thư đường tiêu hóa (gan, tụy, dạ dày, đại trực tràng, túi mật), ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung.
ĐIỀU TRỊ THỪA CÂN – BÉO PHÌ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN
Cho đến nay, các phương pháp điều trị thừa cân béo phì đang được áp dụng bao gồm: tiết chế ăn uống, tăng cường vận động, dùng thuốc và phẫu thuật. Trong đó, phương pháp dùng thuốc và phẫu thuật có chỉ định điều trị khắt khe cũng như gây nhiều tác dụng phụ.
Thay đổi lối sống và chế độ ăn mặc dù là điều trị nền tảng nhưng lại làm tăng cảm giác đói và thèm ăn, làm cho bệnh nhân khó tuân thủ dẫn đến giảm cân thất bại. Do đó, điều trị thừa cân béo phì vẫn còn là một thách thức đối với y học.
Bên cạnh các phương pháp điều trị theo Y học hiện đại, ngày nay, Y học cổ truyền có một phương pháp điều trị thừa cân béo phì rất hiệu quả mà không sử dụng thuốc.
Các nghiên cứu cho thấy cấy chỉ giúp giảm trọng lượng cơ thể, giảm chu vi vòng eo và nồng độ leptin trong máu với tính an toàn cao mà gần như rất ít hoặc không có tác dụng phụ nào.
Phương pháp cấy chỉ
Cấy chỉ là gì?
Cấy chỉ là phương pháp châm cứu kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại, được tiến hành bằng cách dùng một loại protein lạ (chỉ cagut, chỉ Polydioxanone…) vùi vào trong huyệt để phòng và chữa bệnh. Chỉ có bản chất là một protein và có khả năng tự tiêu nên trong quá trình tự tiêu, chỉ luôn tạo ra kích thích lên huyệt, phát huy tác dụng chữa bệnh của huyệt đó.
Cấy chỉ ngày càng được áp dụng rộng rãi trên Thế giới và tại Việt Nam trong việc điều trị các bệnh lý khác nhau, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và giảm dùng thuốc. Điều này đã được khẳng định qua nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước.
Lợi điểm của cấy chỉ giảm cân
Thời gian cấy chỉ một đợt kéo dài trung bình từ 15 – 20 ngày, tương ứng với thời gian chỉ tiêu hết hoàn toàn và kích thích huyệt liên tục, người bệnh không phải châm cứu hàng ngày, không phải nằm viện, từ đó tiết kiệm được thời gian mà vẫn đảm bảo được hiệu quả điều trị.
Tùy vào cơ địa đáp ứng với điều trị của từng người mà các bác sĩ sẽ quyết định thời gian can thiệp và liệu trình khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết trong các nghiên cứu người bệnh sẽ nhận thấy rõ hiệu quả sau 28 ngày điều trị (tức là chỉ sau 2 lần cấy chỉ).
Như vậy, bên cạnh những chỉ định điều trị riêng, cấy chỉ sẽ phù hợp cho những người bận rộn, bệnh nhân sợ châm nhiều lần và bệnh nhân sẽ có nhiều sự lựa chọn điều trị hơn.
Phương pháp nhĩ châm
Nhĩ châm là gì?
Nhĩ châm là phương pháp điều trị không dùng thuốc bằng cách sử dụng kim châm tại vị trí các kinh huyệt tương ứng với các bộ phận của cơ thể trên vùng loa tai.
Kim được sử dụng là loại kim đặc biệt có tên là nhĩ hoàn, giúp thầy thuốc dễ dàng cài và cố định trên loa tai. Sau đó bạn có thể ra về và hoàn toàn dễ dàng tự kích thích tại nhà.
Lợi điểm của nhĩ châm điều trị béo phì
Cơ chế chính tạo ra tác dụng giảm cân của phương pháp nhĩ châm là thông qua sự kích thích lên vùng da loa tai thuộc chi phối của dây thần kinh sọ số X. Các kích thích lên nhánh tai thần kinh X theo sợi hướng tâm đến các vùng của não phụ trách điều hòa ăn uống của vùng hạ đồi, gây hoạt hóa trung tâm no, và do đó, ức chế trung tâm đói. Kết quả là nhĩ châm làm giảm cảm giác đói, giảm cảm giác thèm ăn và giúp giảm cân.
Một số cơ chế khác cũng góp phần tạo ra các tác dụng giảm cân của phương pháp nhĩ châm bao gồm: ức chế nhu động và làm chậm quá trình làm trống dạ dày, giúp ăn mau no; làm giảm nồng độ hormon grhelin buổi sáng sớm.