Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý tiêu hóa kéo dài và dễ tái phát, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và ngày càng trở nên phổ biến hơn trong thời đại hiện nay.

TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN LÀ GÌ?

Trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal Reflux Disease – GERD) là một tình trạng các chất trong dạ dày di chuyển lên thực quản.

Tình trạng này sẽ trở thành bệnh khi các triệu chứng xảy ra thường xuyên hoặc nghiêm trọng, lâu dài có thể làm tổn thương thực quản, hầu họng hoặc đường hô hấp.

BỊ GERD lâu dài có thể làm tổn thương thực quản, hầu họng hoặc đường hô hấp
BỊ GERD lâu dài có thể làm tổn thương thực quản, hầu họng hoặc đường hô hấp

Triệu chứng chính của bệnh trào ngược dạ dày thực quản:

  • Ợ nóng, thường được mô tả là cảm giác nóng bừng ở ngực.
  • Nôn ra chất lỏng chua hoặc đắng vào cổ họng hoặc miệng.

Các triệu chứng khác của GERD bao gồm:

  • Đau ngực không do tim, thường nằm ở giữa ngực và lan ra sau lưng.
  • Khó nuốt (chứng khó nuốt).

Triệu chứng trào ngược không điển hình liên quan đến cổ họng, thanh quản hoặc phổi:

  • Đau họng
  • Khàn giọng
  • Ho
  • Cảm giác vướng nghẹn ở họng
  • Hen suyễn

NGUYÊN NHÂN VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ GÂY BỆNH

Nguyên nhân gây bệnh GERD

  • Khi nuốt, một dải cơ tròn quanh đáy thực quản (cơ thắt thực quản dưới) sẽ giãn ra để thức ăn và chất lỏng chảy vào dạ dày. Sau đó cơ thắt lại đóng lại.
  • Nếu cơ thắt không hoạt động như bình thường hoặc yếu đi, axit dạ dày có thể chảy ngược vào thực quản. Axit trào ngược liên tục này sẽ kích thích niêm mạc thực quản, thường khiến nó bị viêm.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh GERD

  • Béo phì.
  • Phần trên dạ dày phồng lên phía trên cơ hoành (thoát vị khe thực quản).
  • Thai kỳ.
  • Rối loạn mô liên kết, chẳng hạn như xơ cứng bì.

Các yếu tố có thể làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược axit bao gồm:

  • Hút thuốc.
  • Ăn nhiều hoặc ăn khuya.
  • Ăn một số loại thực phẩm như thực phẩm giàu chất béo hoặc đồ chiên, cay.
  • Uống một số đồ uống như đồ uống có cồn hoặc cà phê.
  • Dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như aspirin.
Ăn nhiều và ăn khuya làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược axit
Ăn nhiều và ăn khuya làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược axit

BIẾN CHỨNG CỦA GERD

Bệnh nhân bị trào ngược nặng có thể bị các biến chứng nặng hơn, bao gồm:

  • Viêm thực quản.
  • Hẹp thực quản.
  • Ung thư thực quản.

TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

GERD theo Y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, GERD thuộc phạm vi các chứng bệnh như:

  • Ế cách
  • Hung thống
  • Thổ toan,…

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý này, như:

  • Tổn thương tình chí.
  • Ẩm thực thất điều.
  • Lao lực quá độ.
  • Cảm thụ ngoại tà,…

Phương pháp điều trị GERD

Dùng thuốc thang

Qua quá trình thăm khám để chẩn đoán ra thể bệnh và lựa chọn phương thuốc phù hợp.

Thể Can Vị uất nhiệt:

  • Pháp trị: sơ can tả nhiệt hòa vị.
  • Dùng bài: Đơn chi tiêu dao tán gia giảm.

Thể Tỳ Vị hư:

  • Pháp trị: kiện Tỳ ích khí giáng nghịch.
  • Dùng bài: Hương sa lục quân tử thang gia giảm.
Các phương pháp YHCT hỗ trợ điều trị hiệu quả trong điều trị GERD
Các phương pháp YHCT hỗ trợ điều trị hiệu quả trong điều trị GERD

Châm cứu

Sử dụng các phương thức: hào châm, điện châm, nhĩ châm, thủy châm, cấy chỉ.

Phương huyệt áp dụng: Trung quản, Đản trung, Chương môn, Lương môn, Thiên khu, Túc tam lý, Thái bạch, Cách du, Tỳ du, Vị du.

Xoa bóp – Bấm huyệt

Thực hiện xoa bóp và day ấn vào các huyệt giống phương pháp châm cứu.

Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý cho người bệnh GERD

  • Giảm cân nếu thừa cân.
  • Tránh các thực phẩm và đồ uống gây kích thích, chẳng hạn như thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên, cay, bạc hà, cà phê, đồ uống có cồn và dung dịch có tính axit.
  • Tránh ăn quá nhiều.
  • Tránh ăn trong 2 – 3 giờ trước khi ngủ.
  • Bỏ hút thuốc.
  • Đừng nằm ngay sau bữa ăn.
  • Nâng cao đầu khi nằm xuống.