Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số. Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn nam giới gấp 2 – 3 lần. Bệnh có thể khởi phát ở bất kỳ lứa tuổi nào, thường là từ 35 đến 50 tuổi, nhưng có thể gặp ở giai đoạn người trẻ  hoặc tuổi già.

VIÊM KHỚP DẠNG THẤP LÀ GÌ?

Viêm khớp dạng thấp (hay viêm đa khớp dạng thấp) là một bệnh lý mạn tính do rối loạn tự miễn trong cơ thể gây nên, gây sưng đau cuối cùng có thể dẫn đến hủy xương và biến dạng khớp ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày như viết, mở chai lọ, mặc quần áo và mang vác đồ vật.

Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở người lớn tuổi
Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở người lớn tuổi

Có 2 dạng tổn thương cơ bản của viêm khớp dạng thấp:

  • Tổn thương tại khớp: đặc trưng bởi tình trạng viêm màng hoạt dịch tại khớp ngoại biên, đối xứng, tiến triển từng đợt, có xu hướng nặng dần gây hủy hoại sụn khớp và đầu xương dẫn đến biến dạng khớp.
  • Tổn thương ngoài khớp: viêm mạch máu, viêm màng ngoài tim, rối loạn nhịp tim.

DIỄN BIẾN CỦA VIÊM KHỚP DẠNG THẤP

Thời gian xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp rất khác nhau, thường theo diễn biến sau:

Trong những năm đầu tiên (5 năm):

  • Chỉ có 1 đợt viêm duy nhất, rồi tự lui bệnh trong thời gian 1 năm (20% trường hợp).
  • Có nhiều đợt tiến triển, có xu hướng tăng nặng dần, chiếm 70% các trường hợp.
  • Bệnh tiến triển nặng ngay từ đầu, không có đợt tạm lui bệnh, chiếm 10%.

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG CỦA VIÊM KHỚP DẠNG THẤP

Dấu hiệu sớm của bệnh viêm khớp dạng thấp:

  • Cứng khớp buổi sáng.
  • Viêm nhẹ một vài khớp ở chi.
  • Thời gian vài ngày đến vài tuần.

Dấu hiệu toàn phát:

  • Toàn thân: gầy sút, sốt, mệt mỏi, chán ăn,…
  • Ngoài khớp: Viêm mống mắt, viêm màng ngoài tim, nốt thấp, viêm mạch máu, hội chứng ống cổ tay,…

Các biểu hiện tại khớp:

  • Cứng khớp buổi sáng ≥ 1 giờ.
  • Viêm màng hoạt dịch các khớp ngoại biên : (sưng, nóng, đỏ, đau).
  • Đối xứng.

Dấu hiệu tại khớp:

Các dấu hiệu và triệu chứng có thể hồi phục:

  • Cứng khớp buổi sáng.
  • Sưng nóng đỏ đau các khớp ngoại vi.
  • Tràn dịch khớp (thường 2 khớp gối).

Các dấu hiệu và triệu chứng không thể hồi phục:

  • Hư hỏng về chức năng và giải phẫu của khớp.
  • Đau tăng cả khi dùng kháng viêm tích cực.
  • Tổn thương sụn khớp – đầu xương.

Sự phát triển của biến dạng khớp: sự bất động, co rút cơ – gân, lỏng lẻo dây chằng, teo cơ,… do tư thế không đúng

Các biểu hiện lâm sàng ngoài khớp:

  • Viêm mạch máu.
  • Nốt thấp (da, phổi).
  • Viêm củng mạc.
  • Hội chứng khô mắt.
  • Hội chứng ống cổ tay, cổ chân.
  • Viêm phổi mô kẽ, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, thận,…

YẾU TỐ NGUY CƠ GÂY VIÊM KHỚP DẠNG THẤP

  • Hút thuốc.
  • Béo phì.
  • Hóc môn giới tính.
  • Thuốc.
  • Những thay đổi về hệ vi sinh vật ở ruột, miệng và ở phổi.
  • Bệnh nha chu.
Yếu tố nguy cơ gây viêm khớp dạng thấp
Yếu tố nguy cơ gây viêm khớp dạng thấp

BIẾN CHỨNG CỦA VIÊM KHỚP DẠNG THẤP

  • Teo cơ.
  • Cứng khớp, biến dạng khớp, lệch trục khớp.
  • Lỏng lẻo các dây chằng.
  • Co rút các gân.
  • Thiếu máu, loãng xương,…

Biến chứng của điều trị:

  • Tác dụng phụ của các thuốc kháng viêm: trên hệ tiêu hóa, hệ tim mạch, hệ hô hấp, hệ cơ xương, hệ niệu, hệ tạo máu.
  • Tác dụng phụ của các thuốc điều trị cơ bản: trên cơ quan tạo máu, hệ miễn dịch (tăng nguy cơ nhiễm trùng và nhiễm lao,…).

ĐIỀU TRỊ VIÊM KHỚP DẠNG THẤP BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Triệu chứng bệnh lý của viêm khớp dạng thấp được mô tả trong phạm vi các bệnh chứng của Y học cổ truyền như:

  • Chứng Tý, Lịch tiết phong, Hạc tất phong.
  • Chứng Tý: đồng âm với Bí, tức bế tắc lại không thông. Tý vừa được dùng để diễn tả biểu hiện của bệnh như là tình trạng đau, tê, mỏi, nặng, sưng, nhức, buốt,…ở da thịt, khớp xương; vừa được dùng để diễn tả tình trạng bệnh sinh là sự bế tắc không thông của kinh lạc, khí huyết. Phong hàn thấp phạm quan tiết.

Y học cổ truyền (Đông y) điều trị viêm khớp dạng thấp theo từng thể bệnh.

Phong thấp phạm kinh lạc

Lâm sàng: đau khớp có tính chất di chuyển, không cố định kèm cảm giác nặng nề, khớp có thể sưng, hạn chế vận động khớp Chất lưỡi hồng nhợt, rêu trắng nhầy Mạch hoạt hoặc nhu Hoãn.

Pháp trị: khu phong trừ thấp, thông lạc chỉ thống.

Bài thuốc: Khương hoạt thắng thấp thang gia giảm hoặc phòng phong thang. Đau các khớp ở trên nhiều thêm gia khương hoàng, đau khớp ở dưới gia thêm ngưu tất.

Lâm sàng: đau khớp kèm sưng tại chỗ, tay chân nặng nề, cứng khớp buổi sáng, chườm nóng đỡ đau. Chất lưỡi bệu và ám tím, rêu lưỡi trắng nhờn. Mạch huyền hoãn hoặc trầm khẩn.

Pháp trị: ôn kinh tán hàn, trừ thấp thông lạc.

Bài thuốc: Ô đầu thang gia giảm.

Bài thuốc Khương hoạt thắng thấp thang gia giảm
Bài thuốc Khương hoạt thắng thấp thang gia giảm

Phong hàn thấp phạm quan tiết

Lâm sàng: các khớp sưng nóng đỏ đau, nơi đau cảm giác nóng rát hoặc lạnh đỡ đau, gặp lạnh thì dễ chịu. Khớp xương không vận động được, bệnh phát ở một khớp hoặc nhiều khớp, kèm theo chứng trạng toàn thân phát sốt, khát nước rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.

Pháp trị: Thanh nhiệt trừ thấp, hoạt huyết.

Bài thuốc: Bạch hổ quế chi thang gia vị.

  • Nếu tân dịch bị hao tổn gia thêm Sinh địa, Huyền sâm, Mạch môn,…
  • Nếu ra mồ hôi nhiều, miệng khô, lưỡi đỏ, mạch tế sác: bỏ Quế chi, gia Sinh địa, Huyền sâm, Địa cốt bì, Thạch hộc,…

Khí huyết lưỡng hư

Lâm sàng: đau nhức âm ỉ xương khớp, người mệt mỏi, đoản hơi, ớn lạnh, hoa mắt chóng mặt, sắc nhợt, lưỡi nhợt. Mạch trầm tế.

Pháp trị: Bổ khí huyết, thông kinh hoạt lạc.

Bài thuốc: Bát trân thang.

Can thận bất túc

Lâm sàng:

  • Bệnh diễn biến lâu ngày, ngoài triệu chứng ở khớp còn xuất hiện thêm triệu chứng của Can thận hư tổn hoặc khí huyết suy thiếu.
  • Triệu chứng: các khớp sưng đau, cứng khớp, biến dạng khớp. Đau lưng ,mỏi gối, lao động đau tăng, nghỉ ngơi giảm đau, tâm phiền mất ngủ, miệng khô, sắc mặt đỏ, lòng bàn tay chân nóng, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác.

Pháp trị: bổ ích can thận, mạnh gân cốt, khử phong thấp.

Bài thuốc: Độc hoạt tang ký sinh gia giảm.

Huyết ứ kinh lạ

Lâm sàng: các khớp đau nhiều về đêm, cảm giác như kim châm. Da khô, móng tay chân khô, dễ gãy. Chất lưỡi ám tối, rìa lưỡi có điểm ứ huyết, rêu trắng mỏng. Mạch tế sác.

Pháp trị: hoạt huyết, hóa ứ, thư cân thông lạc.

Bài thuốc: Thân thống trục ứ thang gia giảm.