Bệnh Gout là một dạng viêm khớp phổ biến mà đối tượng nào cũng có thể mắc phải. Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh gout đang dần gia tăng và có xu hướng dần trẻ hóa.

GOUT LÀ GÌ?

Gout là một dạng viêm khớp phổ biến và phức tạp, được đặc trưng bởi các cơn đau, sưng, tấy đỏ và đau dữ dội, đột ngột ở một hoặc nhiều khớp, thường gặp nhất là ở ngón chân cái.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Gout hầu như xảy ra đột ngột và thường xảy ra vào ban đêm, bao gồm:

Đau khớp dữ dội

Gout phần lớn ảnh hưởng đến ngón chân cái nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào. Các khớp thường bị ảnh hưởng khác bao gồm: mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay, cổ tay và ngón tay. Cơn đau có thể trầm trọng nhất trong vòng 4 đến 12 giờ đầu sau khi bắt đầu.

Đau âm ỉ kéo dài

Sau khi cơn đau ở khớp dữ dội nhất giảm bớt, những cơn đau âm ỉ có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Các đợt cấp sau này có thể kéo dài hơn và ảnh hưởng đến nhiều khớp hơn.

Viêm và đỏ khớp

Khớp hoặc các khớp bị ảnh hưởng sẽ trở nên sưng, mềm, nóng và đỏ.

Phạm vi vận động hạn chế

Khi bệnh Gout tiến triển, các khớp đang bị ảnh hưởng trở nên sưng và đau nhức làm cho người bệnh không thể cử động khớp bình thường.

NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH GOUT

Bệnh Gout xảy ra khi các tinh thể urat tích tụ trong khớp, gây viêm và đau dữ dội khi bị các đợt cấp. Tinh thể urat hình thành khi nồng độ axit uric trong máu cao.

Thông thường, axit uric hòa tan trong máu và đi qua thận vào nước tiểu, nhưng đôi khi cơ thể sản xuất quá nhiều axit uric hoặc thận bài tiết quá ít axit uric làm cho axit uric tích tụ, tạo thành các tinh thể urat sắc nhọn, hình kim trong khớp hoặc mô xung quanh gây đau, viêm và sưng.

Axit uric từ đâu mà có?

Khi cơ thể tiêu hóa purin – một chất tự nhiên trong cơ thể, chúng sẽ tự sản xuất ra axit uric. Ngoài ra, purin cũng được tìm thấy trong một số loại thực phẩm, bao gồm:

  • Thịt đỏ: thịt bò, thịt heo.
  • Nội tạng: gan.
  • Hải sản: cá cơm, cá mòi, trai, sò điệp, cá hồi và cá ngừ.
  • Đồ uống có cồn (bia), đồ uống có đường trái cây (fructose) làm tăng nồng độ axit uric.

Các yếu tố làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể:

  • Chế độ ăn: ăn nhiều thịt đỏ, tôm, cua và uống đồ uống có đường trái cây (fructose), uống rượu, đặc biệt là bia, làm tăng nồng độ axit uric, làm tăng nguy cơ mắc bệnh Gout.
  • Cân nặng: cơ thể thừa cân sẽ sản xuất nhiều axit uric hơn và thận sẽ gặp khó khăn hơn trong việc loại bỏ axit uric.
  • Bệnh mạn tính: huyết áp cao nhưng không được điều trị, đái tháo đường, béo phì, hội chứng chuyển hóa và các bệnh về tim và thận.
  • Một số loại thuốc: Aspirin liều thấp, thuốc kiểm soát tăng huyết áp (thuốc lợi tiểu thiazide, thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) và thuốc chẹn beta), thuốc chống thải ghép cho những người được ghép tạng.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh Gout.
  • Tuổi và giới tính: đàn ông có nhiều khả năng phát triển bệnh Gout (ở độ tuổi từ 30 đến 50), phụ nữ thường phát triển các triệu chứng sau khi mãn kinh.
  • Phẫu thuật hoặc chấn thương gần đây.
  • Tiêm chủng cũng có thể gây ra cơn bùng phát bệnh Gout ở một số người.

HẬU QUẢ NẾU KHÔNG ĐIỀU TRỊ GOUT KỊP THỜI

Bệnh Gout nếu không được điều trị kịp thời hoặc sai cách sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho cơ thể người bệnh.

Ảnh hưởng khớp

Một số người có thể không bao giờ gặp lại các dấu hiệu và triệu chứng bệnh Gout nữa. Những người khác có thể bị bệnh Gout nhiều lần mỗi năm. Nếu không được điều trị, bệnh Gout có thể gây xói mòn và phá hủy khớp.

Gây sưng, đau

Bệnh Gout không được điều trị có thể khiến tinh thể urat hình thành dưới da trong các nốt gọi là tophi. Tophi có thể phát triển ở một số khu vực, chẳng hạn như ngón tay, bàn tay, bàn chân, khuỷu tay hoặc gân Achilles dọc theo phía sau mắt cá chân của bạn. Tophi thường không gây đau nhưng chúng có thể bị sưng và đau khi bị đợt cấp.

Sỏi thận

Tinh thể urat có thể tích tụ trong đường tiết niệu gây sỏi thận. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho bệnh nhân Gout bị giảm dần chức năng thận và dẫn đến suy thận, ứ mủ, thận bị ứ nước,…

ĐIỀU TRỊ BỆNH GOUT BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Bệnh Gout theo Y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền (Đông y), Gout nằm trong phạm trù chứng tý thể hàn tý, thấp tý, hàn thấp tý và chứng lịch tiết phong.

Nguyên nhân bệnh là do ba thứ tà khí phong, hàn, thấp tích tụ lâu ngày trong cơ thể, mà cơ thể có Can Thận bất túc: Can hư không nuôi dưỡng được cân mạch; Thận hư không làm chủ được cốt tủy. Hư nhiệt kết hợp với khí huyết ứ trệ do tà khí tích tụ gây bế tắc làm cho khớp xương sưng nóng đau không co duỗi vận động được. Đau càng dữ dội về đêm, trời lạnh đau tăng, chườm nóng đỡ đau. Nếu bệnh tiến triển nhanh và mạnh hơn thì gọi là bạch hổ lịch tiết.

Y học cổ truyền điều trị Gout như thế nào?

Dựa vào giai đoạn và tình trạng của người bệnh mà sẽ có các bài thuốc khác nhau cho phù hợp.

Gout nguyên phát:

  • Thể hàn tý: sử dụng bài Độc hoạt tang ký sinh thang gia thêm phụ tử 8g, quế chi 8g.
  • Lịch tiết phong: nếu giai đoạn cấp sử dụng bài Bạch hổ quế chi thang gia vị. Nếu qua giai đoạn cấp thì dùng bài Độc hoạt tang ký sinh gia giảm.

Gout thứ phát:

  • Bài Bổ Can Thận gia thêm lá sa kê 20 – 30g
  • Dùng độc vị lá sa kê 50g sắc uống dưới dạng trà hằng ngày, kèm thêm bài Lục vị nếu có Thận âm hư; kèm thêm bài thuốc Bát vị nếu có Tỳ Thận dương hư…

Những vị thuốc Nam

  • Lá lốt: Theo Đông y, lá lốt có tính ấm, vị cay có tác dụng trừ phong thấp, ôn trung tán hàn giúp làm giảm đau nhức xương khớp rất tốt. Đây cũng được xem là một vị thuốc quý dùng để chữa bệnh Gout theo kinh nghiệm của dân gian.
  • Lá tía tô: Trong các nghiên cứu về công dụng của lá tía tô, người ta thấy rằng lá tía tô có khả năng ức chế các enzyme xanthine oxidase. Đây được biết đến là một loại enzyme thúc đẩy cho quá trình hình thành acid uric gây ra bệnh Gout, nên dùng lá tía tô chữa Gout rất an toàn và hiệu quả.

Điều trị không dùng thuốc

  • Châm cứu, cấy chỉ, nhĩ châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, bó thuốc…
  • Các huyệt như Trung phong, Cự hư, Côn lôn, Thái xung, Thái bạch, Khâu khư, Thân mạch, Dương lăng tuyền, Tất dương quan, Lương khâu, Chiếu hải, a thị huyệt.