Tên khoa học: Herba Menthae.
Bộ phận dùng: toàn cây trên mặt đất.
Thành phần hóa học: tinh dầu (menthol), flavonoid (quercetin, menthosid),…
Tính vị: vị cay, tính mát.
Quy kinh: Phế, Can.
Công năng: Tuyên tán phong nhiệt, kiện Vị chỉ tả, chỉ khái, thanh đầu mục, thấu chẩn.
Tác dụng theo Y học hiện đại: kích thích trung khu thần kinh, gây hưng phấn, làm giãn mạch máu, thúc đẩy quá trình tiết mồ hôi và hạ nhiệt cơ thể, có tác dụng trên đoạn rễ thần kinh bị đau, nên có tác dụng giảm đau, kháng viêm, gây tê cục bộ, tác dụng kháng khuẩn trên nhiều loài vi khuẩn như S.aureus, S.typhi, S.shiga, B,subtilis, P.pneumoniae,…
Chủ trị:
- Tuyên tán phong nhiệt: Dùng trị cảm mạo phong nhiệt, biểu hiện sốt cao, đau đầu, ít hoặc không có mồ hôi. Có thể dùng dạng xông hoặc sắc uống.
- Kiện Vị chỉ tả: Tăng tiết mật, kích thích tiêu hóa. Dùng trong các trường hợp ăn không tiêu, buồn nôn, ợ chua, đau bụng tiêu chảy,…
Chỉ khái: Dùng riêng hoặc phối hợp các vị thuốc chỉ khái hóa đờm.
- Thanh đầu mục: Dùng trong trường hợp đau đầu, đau mắt đỏ do phong nhiệt, họng đỏ sưng đau, phối hợp Cúc hoa, Hoàng bá.
- Thấu chẩn (làm sởi mọc): Phối hợp Ngưu bàng, Thuyền thoái. Có thể dùng lá giã nát, băng vào chỗ bỏng hoặc nhọt để tránh nhiễm trùng và giúp hỗ trợ mau lên da non.
- Súc miệng bằng nước sắc Bạc hà hoặc nước cất có tinh dầu bạc hà để sát trùng răng miệng.
Liều dùng: Ngày 12 – 20g.
Kiêng kỵ: không dùng Bạc hà hoặc các chế phẩm có chứa Menthol để xông hoặc cho trẻ nhỏ (dưới 1 tuổi) uống do menthol có thể gây ngừng hô hấp.