Hiện nay vô sinh hiếm muộn đang ảnh hưởng đến hàng triệu người trong độ tuổi sinh sản trên toàn thế giới, ước tính rằng cứ mỗi 6 người trong độ tuổi sinh sản thì sẽ có 1 người bị vô sinh.

VÔ SINH HIẾM MUỘN LÀ GÌ?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vô sinh (hay hiếm muộn) là một bệnh của hệ thống sinh sản, được định nghĩa khi một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản sống cùng nhau và không dùng biện pháp tránh thai trên 1 năm mà vẫn không có thai (nếu người vợ >35 tuổi thì thời gian này chỉ tính là 6 tháng).

Tại Việt Nam, tính đến năm 2020 có khoảng 12% – 13% cặp vợ chồng vô sinh, chiếm khoảng 1 triệu cặp vợ chồng, trong số đó có 50% ở độ tuổi dưới 30.

Phân loại vô sinh

Tùy vào các nguyên nhân khác nhau, vô sinh được chia thành 4 loại:

  • Vô sinh nam.
  • Vô sinh nữ.
  • Vô sinh nguyên phát: khi người vợ chưa có thai lần nào.
  • Vô sinh thứ phát: khi người vợ có thai ít nhất một lần trước đây, sau đó tối thiểu 1 năm mong con nhưng chưa thụ thai lần nữa.

NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH

Đối với nữ

Các vấn đề về phụ khoa là nguyên nhân chính gây vô sinh ở phụ nữ, điển hình có thể kể đến:

  • Rối loạn phóng noãn: rối loạn các tuyến nội tiết trung ương và ngoại biên hoặc các nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa.
  • Do vòi trứng: tắc ống dẫn trứng, lạc nội mạc tử cung buồng trứng, viêm nhiễm vùng chậu.
  • Các bất thường cấu trúc khác của ống dẫn trứng/tử cung: không có tử cung, u xơ tử cung, nội mạc tử cung không phát triển.

Bên cạnh đó, viêm nhiễm phụ khoa cũng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở phụ nữ. Quá trình nhiễm trùng bên trong ổ bụng là nguyên nhân hàng đầu gây ra sự bám dính vùng chậu/vòi trứng, phổ biến nhất là viêm vùng chậu (PID) và thường gặp nhất là do vi khuẩn có tên là Chlamydia trachomatis. Cứ 4 phụ nữ vô sinh do tổn thương vòi trứng, có 1 phụ nữ có kháng thể dương tính với Chlamydia trachomatis.

Tỉ lệ mang thai ở phụ nữ bị viêm vùng chậu (PID) được ước tính như sau:

  • 89% ở phụ nữ mắc 1 lần.
  • 77% ở phụ nữ mắc 2 lần.
  • 46% nở phụ nữ mắc 3 lần.

Đối với nam

Vô sinh nam thường xuất phát từ các vấn đề trong việc sản xuất tinh trùng hoặc khả năng đưa tinh trùng đến gặp trứng. Một số nguyên nhân phổ biến gây vô sinh nam:

  • Vấn đề liên quan đến xuất tinh: xuất tinh ngược, giảm ham muốn, rối loạn cương.
  • Tinh trùng: không có tinh trùng hoặc ít tinh trùng, bất thường hình dạng hoặc cử động của tinh trùng.
  • Do bất thường giải phẫu ở ống dẫn tinh, túi tinh.
  • Các rối loạn nội tiết, bất thường sinh tinh: viêm tinh hoàn do quai bị, tinh hoàn lạc chỗ, hóa xạ trị, giãn tĩnh mạch thừng tinh.

CÁC XÉT NGHIỆM PHÁT HIỆN VÔ SINH

Nếu sau khi “thả cửa” quá thời gian quy định mà vẫn chưa đậu thai thì có khả năng bạn hoặc bạn đời đã mắc vô sinh. Để kiểm tra vô sinh hiếm muộn, vợ chồng bạn cần thực hiện các xét nghiệm có liên quan để có kết quả chẩn đoán chính xác.

Xét nghiệm hormone AMH

AMH là gì?

AMH là một hormone được sản xuất bởi các tế bào hạt của nang trứng. AMH được sản xuất nhiều nhất ở các nang tiền hốc (preantral) và có hốc nhỏ dưới 4 mm (antral), nghĩa là những nang noãn còn non và đang phát triển ở buồng trứng. Do đó, nồng độ AMH cho biết số nang noãn non hiện có trong buồng trứng, nghĩa là đánh giá dự trữ buồng trứng.

Xét nghiệm AMH để làm gì?

Mục đích của việc thực hiện xét nghiệm hormone nhằm khảo sát hoạt động của buồng trứng cũng như khả năng dự trữ nang noãn của buồng trứng.

Những người phụ nữ có AMH thấp thường đáp ứng kém với thuốc kích thích buồng trứng. Ngược lại, nếu AMH cao sẽ có nhiều nguy cơ bị hội chứng quá kích buồng trứng.

Nồng độ AMH không thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt nên có thể thực hiện xét nghiệm vào bất kỳ ngày nào của chu kỳ kinh. Nồng độ AMH sẽ giảm dần trong suốt cuộc đời sinh sản tự nhiên của phụ nữ, đến tuổi mãn kinh sẽ không thể phát hiện được nữa.

Xét nghiệm tinh dịch đồ

Phân tích tinh dịch là nền tảng của việc đánh giá chất lượng tinh trùng trong phòng thí nghiệm thông qua các chỉ số như: số lượng, khả năng di động, hình dạng,… Các chỉ số tinh dịch đồ này chỉ có ý nghĩa phỏng đoán khả năng sinh sản của nam giới là cao hay thấp, chứ không cho phép kết luận là vô sinh hiếm muộn. Tuy nhiên, kết quả và tiên lượng của vô sinh nam phụ thuộc rất nhiều vào kết quả phân tích tinh dịch đồ.

Khi thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ, cần thu thập ít nhất hai mẫu riêng biệt, cách nhau ít nhất một tuần. Nên kiêng xuất tinh ít nhất 3 ngày trước khi lấy mẫu đầu tiên.

Y HỌC CỔ TRUYỀN ĐIỀU TRỊ VÔ SINH HIẾM MUỘN

Sau khi thất bại trong việc điều trị vô sinh hiếm muộn bằng các phương pháp Y học hiện đại, ngày càng nhiều người chọn Y học cổ truyền để tìm đến giấc mơ có con bởi tính hiệu quả, lành tính mà phương pháp này mang lại.

Y học cổ truyền điều trị vô sinh hiếm muộn như thế nào?

Sau quá trình thăm khám và các kết quả xét nghiệm, Bác sĩ YHCT sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh của từng người để đưa ra chỉ định điều trị dùng thuốc kết hợp không dùng thuốc cụ thể chứ không có một phác đồ nguyên mẫu cụ thể nào.

Dược liệu Đông y chữa trị vô sinh hiếm muộn

Nhiều bài thuốc YHCT đã được nghiên cứu và chứng minh là đạt hiệu quả trong việc cải thiện chất lượng tinh trùng, điều hòa rối loạn nội tiết, cải thiện chức năng nội mạc tử cung, tăng tỉ lệ có thai tự nhiên và tỉ lệ thành công của các kỹ thuật IVF (thụ tinh ống nghiệm) và ICSI (bơm tinh trùng vào trứng).

Tùy vào tình trạng của người bệnh mà sẽ có bài thuốc phù hợp. Tuy nhiên các vị thuốc chủ lực thường dùng chẳng hạn như câu kỷ tử, thỏ ty tử, ngũ vị tử, ba kích, nhục thung dung, xa tiền tử, lộc giác giao,…

Thuốc thảo dược giúp cải thiện chất lượng của phôi và nội mạc tử cung, có thể giúp tăng tỉ lệ mang thai. Một nghiên cứu cho thấy khi sử dụng thuốc thảo dược trong điều trị vô sinh đạt được tỉ lệ có thai là 60%. Ngoài ra, xác suất mang thai lâm sàng tăng gấp đôi khi kết hợp thuốc thảo dược YHCT và kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

Châm cứu điều trị vô sinh hiếm muộn

Bên cạnh sử dụng thuốc dược liệu trong điều trị vô sinh hiếm muộn, theo phân tích tổng hợp cho thấy phương pháp châm cứu cũng mang lại hiệu quả trong điều trị vô sinh hiếm muộn.

Lợi ích của châm cứu trong điều trị vô sinh hiếm muộn

Cơ chế nội tiết thần kinh của châm cứu được nghiên cứu trong y học sinh sản qua việc châm cứu có thể điều chỉnh trục hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng. Châm cứu tác động đến sản xuất beta-endorphin của tuyến yên, từ đó ảnh hưởng đến sự bài tiết 2 hormone GnRH và LH.

Ngoài ra, kết quả cho thấy độ dày của nội mạc tử cung có thể được cải thiện đáng kể khi điều trị bằng châm cứu. Châm cứu có tác dụng ức chế hệ giao cảm trung ương, từ đó giảm trở lực trong động mạch tử cung, dẫn đến tăng lưu lượng máu đến tử cung.

Các phương huyệt được sử dụng

Một số phương huyệt được sử dụng trong điều trị vô sinh hiếm muộn:

  • Quan nguyên
  • Khí hải
  • Túc tam lý
  • Tam âm giao
  • Bách hội
  • Quy lai
  • Thái khê
  • Tử cung
  • Đại hách

CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG, SINH HOẠT HỖ TRỢ MANG THAI TỰ NHIÊN

Ngoài áp dụng các phương pháp điều trị cho người bị vô sinh hiếm muộn, việc kết hợp chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý cũng góp phần hỗ trợ làm tăng khả năng đậu thai.

Chế độ ăn uống hợp lý

Các dưỡng chất chính để cải thiện khả năng sản xuất, di chuyển và chất lượng tinh trùng:

  • Kẽm: nguyên tố quan trọng để duy trì số lượng tinh trùng. Các thực phẩm nhiều kẽm bao gồm: hàu, thịt đỏ, ngũ cốc,…
  • Selen: nguyên tố chính trong việc cải thiện khả năng di chuyển của tinh trùng, giúp chúng tiến tới mạnh mẽ hơn. Các thực phẩm giàu selen bao gồm: cá biển, các loại hạt, hải sản,…
  • Acid folic: cần thiết cho sự phát triển của tinh trùng, giúp chúng có hình dạng bình thường và khỏe mạnh. Các thực phẩm giàu acid folic: các loại hạt, đậu, rau lá xanh đậm.
  • Các chất chống oxy hóa: giúp bảo vệ tinh trùng khỏi các tác nhân oxy hóa, từ đó kéo dài thời gian tồn tại của chúng. Các thực phẩm tiêu biểu: cam, cà chua, rau xanh đậm,..

Tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh

  • Duy trì tâm trạng vui vẻ thoải mái, ngủ đủ giấc, ít nhất 7 tiếng/ngày và tốt nhất là trước 23h.
  • Duy trì cuộc sống quan hệ vợ chồng ít nhất 1 đến 2 lần mỗi tuần.
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 3 lần mỗi tuần. Bao gồm: chạy bộ, đi bộ nhanh hoặc đạp xe, bơi lội,…
  • Tránh sử dụng các sản phẩm tạo mùi thơm, các sản phẩm chăm sóc da và nước hoa có độ lưu hương kéo dài.
  • Tránh các chất DEP (diethyl phosphophthalate) là chất tạo mùi thơm lâu, sẽ gây đột biến tinh trùng nam, gây vô sinh, làm phụ nữ tăng nguy cơ ung thư vú, thai nhi phát triển không bình thường về não bộ, trẻ em xuất hiện dậy thì sớm.
  • Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia.
  • Không mặc quần bó hoặc quần jeans quá chật, thay bằng quần dài, tránh quần lót quá chật, có thể thay bằng quần đùi nhỏ. Tránh ngồi lâu, tránh lái xe hoặc đạp xe thời gian dài.
  • Tránh tiếp xúc với môi trường nhiệt độ cao như lò xông hơi, tắm nước nóng.