Liệt dây thần kinh số VII là tình trạng phổ biến trong các vấn đề tổn thương dây thần kinh. Hiện nay, trường hợp mắc phải căn bệnh này ngày càng gia tăng, gây ra sự mặc cảm, tự ti với người bệnh.

LIỆT DÂY THẦN KINH SỐ VII LÀ GÌ?

Liệt mặt (hay liệt dây thần kinh số VII) xảy ra khi dây thần kinh mặt (dây thần kinh VII) bị tổn thương, dẫn đến tình trạng yếu liệt 1/2 hoặc cả hai bên khuôn mặt.

Nguyên nhân tổn thương dây thần kinh mặt có thể xảy ra vì nhiều lý do, bao gồm nhiễm trùng, chấn thương hoặc đột qu, hoặc cũng có thể xảy ra mà không rõ nguyên nhân.

Các nguyên nhân này có thể chia làm 2 loại như sau:

  • Nguyên nhân nguyên phát (tức là chưa rõ nguyên nhân): do lạnh, đây là nguyên nhân thường gặp nhất và chiếm khoảng 70%.
  • Các nguyên nhân thứ phát khác ít gặp hơn bao gồm: thường gặp nhất là do nhiễm virus/vi khuẩn, chấn thương, khối u vùng đầu mặt… Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như do dùng thuốc hoặc các bệnh lý tự miễn.

Liệt mặt có thể hoàn toàn hoặc một phần và có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Bệnh thường gặp ở người có sức đề kháng kém.

Triệu chứng của liệt mặt có thể kể đến như: yếu liệt cơ 1/2 mặt (mất nếp nhăn trán, mắt nhắm không kín, mờ rãnh mũi má, nhân trung lệch 1 bên, miệng méo khi vận động, ăn uống rơi vãi), khô mắt, tăng nhạy cảm với âm thanh, mất vị giác 2/3 trước lưỡi, khô miệng.

PHÂN LOẠI TỔN THƯƠNG DÂY THẦN KINH MẶT

Có 3 loại tổn thương dây thần kinh mặt khác nhau:

  • Độ 1: dây thần kinh chỉ bị tổn thương nhẹ, thường hồi phục trong vòng 8 tuần.
  • Độ 2: dây thần kinh tổn thương nặng hơn, nhưng vẫn giữ được bao myelin. Dây thần kinh bắt đầu phục hồi sau 4 tháng.
  • Độ 3: dây thần kinh bị tổn thương nghiêm trọng, sự hồi phục chậm hơn nhiều và không hoàn chỉnh. Đôi khi dây thần kinh bị cắt đứt hoàn toàn và cần phải phẫu thuật để phục hồi chức năng khuôn mặt.

LIỆT MẶT THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN 

Theo Y học cổ truyền, liệt mặt được mô tả trong chứng Khẩu nhãn oa tà hoặc Nuy chứng.

Nguyên nhân do sự tắc trở lưu thông khí huyết của các kinh lạc vùng đầu mặt. Các nguyên nhân này được chia làm 2 nhóm là ngoại nhân và bất nội ngoại nhân.

  • Về ngoại nhân: do tà khí (Phong, Hàn, Nhiệt) thừa cơ xâm phạm vào hệ kinh lạc vùng đầu mặt, làm bế tắc đường lưu thông khí huyết.
  • Về bất nội ngoại nhân, do chấn thương sinh huyết ứ làm bế tắc sự lưu thông khí huyết.

Bệnh cảnh lâm sàng theo Y học cổ truyền được chia ra thành 3 nhóm thường gặp như sau:

Phong hàn phạm kinh lạc

  • Tương ứng với liệt mặt do lạnh.
  • Triệu chứng: liệt mặt, co cứng cơ mặt, chảy nước mắt, sợ gió, sợ lạnh, không ra mồ hôi, bệnh sử có tiếp xúc với gió lạnh, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù
  • Pháp trị: khu phong, tán hàn, thông kinh lạc.
  • Điều trị bằng phương pháp châm và cứu ấm các huyệt bên mặt bị tổn thương, xoa bóp bấm huyệt vùng mặt và dùng thuốc thảo dược tương ứng.
  • Công thức huyệt: Địa thương, Giáp xa, Dương bạch, Hạ quan, Ngư yêu, Hợp cốc, Thái dương, Toán trúc, Ty trúc không, Tình minh, Đồng tử liêu, Ngư yêu, Nghinh hương, Nhân trung, Thừa tương, Cự liêu, Thính hội, Ế phong, Hoàn cốt, Liêm tuyền, Phong trì, Ế phong, Liệt khuyết.
  • Bài thuốc: Tiểu tục mệnh thang bỏ Ma hoàng, Phòng kỷ.

Phong thấp nhiệt phạm kinh lạc

  • Tương ứng với liệt mặt do nhiễm virus.
  • Triệu chứng: liệt mặt khởi phát sau tình trạng viêm nhiễm, sốt, sợ gió, sợ nóng, họng đau , lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng hay vàng dày, mạch phù hoạt hoặc phù sác
  • Pháp trị: khu phong, thanh nhiệt, thông kinh lạc.
  • Điều trị bằng châm cứu, xoa bóp bấm huyệt và dùng thuốc thảo dược.
  • Công thức huyệt: Địa thương, Giáp xa, Dương bạch, Hạ quan, Ngư yêu, Hợp cốc, Phong trì, Ngoại chùy, Khúc trì.
  • Bài thuốc: Đại tần giao thang gia Bạch cương tàm.

Khí huyết ứ trệ kinh lạc

  • Tương ứng với liệt mặt do chấn thương hoặc giai đoạn sau của phong hàn và phong thấp nhiệt.
  • Triệu chứng: liệt mặt kèm đau nửa mặt cùng bên, lưỡi đỏ sẫm, có điểm ứ huyết
  • Pháp trị: hành khí hoạt huyết, thông kinh lạc.
  • Điều trị bằng châm cứu, xoa bóp bấm huyệt và dùng thuốc thảo dược.
  • Công thức huyệt: Địa thương, Giáp xa, Dương bạch, Hạ quan, Ngư yêu, Hợp cốc, Ngoại quan, Tam dương lạc, Thái xung.
  • Bài thuốc: Đào hồng tứ vật thang.