Táo bón là tình trạng đại tiện khó khăn có thể xảy ra một vài ngày hoặc kéo dài dai dẳng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của nhiều người. Không đơn giản là ảnh hưởng chất lượng sức khỏe, nhưng nếu vấn đề táo bón xảy ra thường xuyên kèm một số dấu hiệu khác thì có nguy cơ bạn đã mắc phải bệnh tiềm ẩn.

TÁO BÓN LÀ GÌ?

Táo bón là vấn đề khó khăn hoặc giảm tần suất đi đại tiện, phân cứng, hoặc cảm giác tống phân không hết.

Táo bón là một trong các bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến nhất trên thế giới với tỷ lệ 17% dân số toàn cầu. Táo bón có thể xảy ra ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi nhưng tập trung phổ biến hơn ở những người trên 65 tuổi (30- 40%), trong đó phụ nữ có tỷ lệ mắc táo bón cao gấp 3 lần nam giới.

Tỷ lệ bị táo bón chiếm 17% dân số toàn cầu
Tỷ lệ bị táo bón chiếm 17% dân số toàn cầu

NGUYÊN NHÂN GÂY TÁO BÓN

Nguyên nhân nguyên phát

Táo bón có thể là triệu chứng của các vấn đề về tiêu hóa khác, như:

  • Tắc ruột: xoắn ruột, thoát vị, dính ruột, nút phân.
  • Tắc ruột do liệt ruột: viêm phúc mạc, các bệnh cấp tính nghiêm trọng (ví dụ: nhiễm khuẩn huyết), chấn thương sọ não hoặc cột sống, nằm lâu ngày.
  • U đại tràng: ung thư biểu mô tuyến ở đại tràng sigma.
  • Rối loạn chuyển hóa: bệnh đái tháo đường, suy giáp, hạ canxi máu hoặc tăng canxi máu, mang thai, ure huyết, bệnh rối loạn chuyển hóa porphyrin.
  • Các rối loạn ở hệ thần kinh trung ương: bệnh Parkinson, đa xơ cứng, đột quỵ, các thương tổn ở tủy sống.
  • Rối loạn thần kinh ngoại biên: bệnh phình đại tràng bẩm sinh, u xơ thần kinh, bệnh lý thần kinh tự động.
  • Rối loạn hệ thống: xơ cứng bì hệ thống, bệnh thoái hóa dạng tinh bột, viêm cơ tự miễn, loạn dưỡng cứng cơ.
  • Các rối loạn cơ năng: táo bón do thức ăn di chuyển qua chậm, hội chứng ruột kích thích, rối loạn chức năng sàn chậu (rối loạn đại tiện cơ năng).
  • Các yếu tố dinh dưỡng: chế độ ăn ít chất xơ, chế độ ăn hạn chế đường, lạm dụng thuốc nhuận tràng.
  • Rối loạn hậu môn – trực tràng chức năng: sự không đồng bộ của các cơ hậu môn trực tràng dẫn đến phân khó thoát ra ngoài và táo bón; thông thường, cảm giác đại tiện không hết phân với rặn quá mức và đặc biệt là lấy phân bằng ngón tay.
Táo bón có thể là triệu chứng của các vấn đề về tiêu hóa khác
Táo bón có thể là triệu chứng của các vấn đề về tiêu hóa khác

Nguyên nhân thứ phát

Nguyên nhân gây táo bón đa phần đến từ chế độ ăn uống hằng ngày, ngoài ra còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố liên quan đến tinh thần.

  • Chế độ ăn uống: thiếu chất xơ, uống ít nước, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, chế độ ăn hạn chế đường.
  • Lối sống: ít vận động, nhịn đi đại tiện, thức khuya, căng thẳng, stress.
  • Sử dụng thuốc: một số loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc an thần, thuốc hạ huyết áp có thể gây táo bón.
  • Bệnh lý: một số bệnh lý như hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn, Parkinson, tiểu đường, ung thư,… có thể dẫn đến táo bón.
  • Yếu tố tâm lý: lo lắng, trầm cảm, rối loạn ám ảnh sợ hãi cũng có thể góp phần gây táo bón.

TRIỆU CHỨNG CỦA TÁO BÓN

Một người được cho là bị táo bón sẽ có các dấu hiệu sau đây:

  • Đi đại tiện khó khăn, rặn nhiều, phân rắn, khô.
  • Số lần đi đại tiện ít hơn 3 lần mỗi tuần.
  • Cảm giác đại tiện chưa hết.
  • Đau bụng, đầy hơi, chướng bụng.
  • Mất cảm giác thèm ăn, buồn nôn.

Tình trạng táo bón kéo dài sẽ gây ra những hậu quả nguy hiểm cho người bệnh:

  • Nứt hậu môn, rách da hậu môn.
  • Trĩ nội, trĩ ngoại.
  • Tắc ruột.
  • Ung thư đại trực tràng (hiếm gặp).

ĐIỀU TRỊ TÁO BÓN KÉO DÀI BẰNG PHƯƠNG PHÁP Y HỌC CỔ TRUYỀN

Theo Y học cổ truyền, nguyên nhân gây chứng táo bón kéo dài thường do cơ địa (bẩm tố) âm hư, huyết nhiệt hoặc do thiếu máu làm tân dịch giảm gây ra, hoặc do người già, phụ nữ sau đẻ nhiều lần trương lực cơ giảm dẫn đến khí trệ làm khó bài tiết phân ra ngoài, hoặc do người vốn dương hư, không vận hành được khí dẫn đến tân dịch không lưu thông, hoặc do bệnh lỵ mạn tính làm tỳ vị kém vận hóa gây ra táo bón.

Phương pháp Y học cổ truyền chữa trị bệnh táo bón kéo dài tùy vào thể bệnh và triệu chứng.

Bẩm tố âm hư huyết nhiệt hoặc tân dịch giảm (sau mắc bệnh cấp tính)

  • Lâm sàng: táo bón lâu ngày, thường xuyên họng khô, miệng khô, thường lở loét miệng, lưỡi đỏ ít rêu, thường háo nước, hay cáu gắt, mạch tế.
  • Phương pháp chữa: lương huyết nhuận táo, dưỡng âm nhuận táo (thường dùng các thuốc thanh nhiệt lương huyết, bổ âm có tác dụng dưỡng âm sinh tân, phối hợp với các thuốc nhuận hạ).

Huyết hư (thiếu máu)

  • Gặp ở người thiếu máu, phụ nữ sau sinh mất máu,…
  • Triệu chứng: gồm triệu chứng của hội chứng thiếu máu kèm táo bón kéo dài.
  • Phương pháp chữa: bổ huyết nhuận táo.
Y học cổ truyền chữa trị bệnh táo bón tùy vào thể bệnh và triệu chứng
Y học cổ truyền chữa trị bệnh táo bón tùy vào thể bệnh và triệu chứng

Khí hư

  • Thường gặp ở người già, phụ nữ sau khi sinh đẻ nhiều lần trương lực cơ giảm.
  • Triệu chứng: cơ nhão, táo bón hay đầy bụng, chậm tiêu, ăn kém, ợ hơi.
  • Phương pháp chữa: ích khí nhuận tràng.

Khí trệ (do bệnh nghề nghiệp)

  • Nguyên nhân do ngồi lâu không thay đổi tư thế hoặc viêm đại tràng mạn tính gây ra.
  • Phương pháp chữa: kiện tỳ, hành khí, nhuận tràng (nhuận khí hành trệ).
  • Bài thuốc thường dùng xá thuốc kiện tỳ (Đẳng sâm, Bạch truật, Ý dĩ), hành khí (Chỉ xác, Chỉ thực, Hậu phá,..) phối hợp với các thuốc nhuận hạ (Vừng đen, Chút chít, Lá muồng trâu,…).
  • Châm cứu: các huyệt Trung quản, Thiên khu, Tỳ du, Đại tràng du, Túc tam lý, Chi câu.
  • Nếu dương khí kém thì cứu các huyệt kể trên, thêm huyệt Quan nguyên, Quy lai. Nếu âm hư, huyết nhiệt thêm huyệt: Tâm âm giao, Thái khê. Nếu thiếu máu thêm huyệt: Cách du, Cao hoang,…

THÓI QUEN SINH HOẠT PHÒNG NGỪA TÁO BÓN

Thay đổi lối sống

  • Duy trì chế độ ăn uống giàu chất xơ.
  • Uống đủ nước mỗi ngày.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Tạo thói quen đi đại tiện đều đặn mỗi ngày.
  • Hạn chế căng thẳng, stress.
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý có thể gây táo bón.

Sử dụng thuốc

  • Thuốc nhuận tràng: Dùng trong thời gian ngắn để kích thích đại tiện.
  • Thuốc làm mềm phân: Giúp phân mềm hơn, dễ đi đại tiện hơn.
  • Thuốc xổ: Chỉ dùng khi các biện pháp khác không hiệu quả, cần có chỉ định của Bác sĩ.

Các biện pháp khác

  • Ngâm hậu môn trong nước ấm.
  • Sử dụng thụt rửa.
  • Thực hiện các bài tập yoga, massage bụng.

Khi táo bón kéo dài hơn 2 tuần và không cải thiện sau khi áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà và xuất hiện các tình trạng như: có máu trong phân; sụt cân không rõ nguyên nhân; đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn; sưng tấy ở bụng,… bạn cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và tìm giải pháp.

Tại Ánh An Healthcare, việc phối hợp Y học Cổ truyền với các phương pháp hiện đại của Vật lý trị liệu – Phục hồi Chức năng giúp gia tăng hiệu quả điều trị, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí.