Liệu pháp sóng xung kích (Shockwave Therapy) được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như vật lý trị liệu, chấn thương thể thao, phục hồi sau phẫu thuật,… Đây được xem là liệu pháp giảm đau thay thế cho thuốc giảm đau hay phẫu thuật.
Sóng Xung Kích Là Gì?
Sóng xung kích là sóng âm có áp lực biến đổi đột ngột, biên độ lớn và ngắt quãng, nó là dạng sóng đơn với xung áp lực dương là chính theo sau là phần sóng nhỏ giãn ra với một pha áp suất âm nhỏ hơn rất nhiều (bằng 10%) so với áp suất đỉnh, tạo thuận lợi cho sóng được hấp thu tốt hơn trong môi trường cơ thể.
Tác Dụng Của Sóng Xung Kích
- Kích thích quá trình sửa chữa và tái tạo mô:
- Cải thiện chuyển hóa và vi tuần hoàn: Sóng xung kích kích thích quá trình tái tạo mạch máu, hình thành mạch máu mới, cải thiện tình trạng cấp máu tại khu vực tổn thương tạo thuận lợi cho quá trình tái tạo lại mô.
- Tăng cường sản xuất collagen tạo thuận lợi cho quá trình sửa chữa các cấu trúc bị hư hỏng của hệ cơ xương và dây chằng.
- Giảm đau do giảm căng cơ, ức chế sự co thắt; tăng cường phân tán chất P (chất trung gian dẫn truyền đau).
- Phục hồi vận động do làm tan sự vôi hóa của các nguyên bào sợi.
Chỉ Định Của Sóng Xung Kích
Phương pháp sóng xung kích được ứng dụng trong điều trị các bệnh như:
- Viêm cân gan chân.
- Viêm gân Achille.
- Gai xương gót.
- Đau vùng gân khoeo chân.
- Viêm gân bánh chè.
- Hội chứng đau xương bánh chè, đau cơ chày trước.
- Đau vùng khớp háng và dải chậu chày.
- Đau vùng khớp cùng-chậu.
- Hội chứng đau thắt lưng.
- Hội chứng ống cổ tay.
- Đau do các chồi xương nhỏ bàn tay.
- Tình trạng viêm, canxi hóa của gân vùng khớp vai.
- Viêm lồi cầu xương cánh tay.
- Hội chứng đau cổ vai.
- Điểm đau chói ở cơ.
- Căng giãn/co thắt cơ cấp tính sau hoạt động thể thao.
Chống Chỉ Định
- Vùng bề mặt có chứa phổi, gồm có tim, đốt sống ngực, các cơ ở vùng ngực, xương ức.
- Không được tác động lên vùng mắt, vùng não, các dây thần kinh lớn.
- Vết thương hở.
- Vùng có cấy ghép kim loại.
- Các đầu xương đang phát triển.
- Bộ phận sinh dục.
- Vùng bụng đối với bệnh nhân mang thai, vùng bị nhiễm trùng.
- Bệnh nhân mắc chứng rối loạn đông máu.
- Bệnh nhân ung thư.
- Điều trị kết hợp với tiêm corticosteroid.
- Có nguy cơ chảy máu: chấn thương cấp, rối loạn đông máu.
- Đầu xương đang phát triển ở trẻ em.