Tứ chẩn trong Y Học Cổ Truyền

Tứ chẩn được xem là một trong những nền tảng quan trọng cùng với bát cương, bát pháp để các Bác sĩ Y học cổ truyền thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh.

TỨ CHẨN LÀ GÌ?

Tứ chẩn bao gồm 4 phương pháp dùng để thăm khám tình hình sức khỏe của người bệnh, bao gồm: vọng (nhìn), văn (nghe, ngửi), vấn (hỏi), thiết (xem mạch, sờ nắn).

Theo quy trình thăm khám – chẩn đoán – điều trị một vấn đề sức khỏe nào đó, tứ chẩn được các Bác sĩ dùng cho quá trình thăm khám, khai thác các triệu chứng của người bệnh.

Tứ chẩn giúp Bác sĩ khai thác triệu chứng của người bệnh
Tứ chẩn giúp Bác sĩ khai thác triệu chứng của người bệnh

BỐN PHƯƠNG PHÁP TRONG TỨ CHẨN

Tùy vào kinh nghiệm mà các Bác sĩ sẽ có phương pháp thăm khám khác nhau, nhưng để có được sự bao quát về bệnh thì việc kết hợp cả 4 phương pháp của tứ chẩn là vô cùng cần thiết.

Vọng chẩn (nhìn)

Mục đích: Nhìn để quan sát thần, sắc, hình thái, mắt mũi, môi lưỡi,… của người bệnh để biết được tình hình bệnh tật bên trong của cơ thể phản ánh ra ngoài. YHCT rất chú trọng đến xem xét các bộ phận ở mặt, lưỡi vì có liên quan nhiều với các tạng phủ.

Xem thần

Thần là sự hoạt động về tinh thần, ý thức và hoạt động của các tạng phủ bên trong cơ thể biểu hiện ra ngoài. Khi xem thần cần xác định:

  • Còn thần: mắt sáng, tỉnh táo là bệnh nhẹ, chính khí chưa tổn thương nhiều, công năng, tạng phủ chưa suy, tiên lượng chữa bệnh tốt.
  • Không có thần: tinh thần mệt mỏi, thờ ơ lãnh đạm, nói không có sức,… là bệnh nặng, chính khí đã suy, chữa bệnh khó khăn và lâu dài.

Ngoài ra, còn phải xem trạng thái tinh thần như: u uất, ít nói, cười nói huyên thuyên, chán ăn, hoang tưởng, mê sảng, hôn mê,… để xem bệnh ở tạng tâm, can, tỳ,…

Quan sát thần, sắc, hình thái, mắt mũi, môi lưỡi,... để đánh giá bệnh tật bên trong (vọng chẩn)
Quan sát thần, sắc, hình thái, mắt mũi, môi lưỡi,… để đánh giá bệnh tật bên trong (vọng chẩn)

Xem sắc

Thường xem sắc ở mặt, người bình thường sắc mặt tươi nhuận, khi có bệnh thường có thể biến đổi như sau:

  • Sắc đỏ do nhiệt.
  • Sắc vàng do hư, thấp.
  • Sắc trắng do hư, hàn, mất máu.
  • Sắc đen do hàn, đau, thủy, thận hư.
  • Sắc xanh do hàn, đau, ứ huyết, kinh phong.

Xem hình thái

Xem hình dáng để biết tình trạng khỏe hay yếu của 5 tạng:

  • Da lông khô thì phế hư.
  • Cơ nhục gầy nhẽo thì tỳ hư.
  • Xương nhỏ yếu, răng lung lay, chậm mọc do thận hư.
  • Chân tay run, co quắp do can hư.
  • Người béo, ăn ít, thở gấp do tỳ hư đàm thấp; người gầy mau đói là vị hỏa.

Xem mũi

  • Đầu mũi xanh: đau bụng; mũi hơi đen là trong ngực có đàm ẩm, sắc trắng là khí hư hoặc mất máu; vàng do thấp; sắc đỏ là phế nhiệt.
  • Cánh mũi phập phồng là do khó thở vì phế nhiệt (viêm phổi), hen suyễn.
  • Chảy nước mũi trong do ngoại cảm phong hàn, nước mũi đục do ngoại cảm phong nhiệt,…

Xem mắt

  • Lòng trắng đỏ bệnh ở tâm, trắng bệnh ở phế, xanh bệnh ở can, vàng bệnh ở tỳ, đen bệnh ở thận.
  • Mắt đỏ sưng đau do can hỏa phong nhiệt, mi mắt nhạt màu do thiếu máu, mắt quầng đen do tỳ hư; đỏ khóe mắt do tâm hỏa.

Xem môi

  • Môi đỏ hồng khô là nhiệt.
  • Môi trắng nhợt là huyết hư.
  • Môi xanh tím là ứ huyết.
  • Môi hồng tươi do âm hư hỏa vượng.
  • Môi xanh đen do hàn.
  • Môi lở loét do vị nhiệt.

Xem da

  • Phù thũng: ăn vào vết lõm còn do thủy thấp, ấn nổi ngay là do khí trệ.
  • Vàng da: có sốt, màu vàng tươi sáng là do dương hoàng, không có sốt màu vàng tối là do âm hoàng.
  • Ban chẩn: ban là những đám nhỏ nổi lên mặt da, chẩn là những sần cao hơn da; ban chẩn tươi nhuận chính là khí chưa hư, tím là nhiệt thịnh, nhạt xám là chính khí đã hư.

Xem lưỡi

  • Mục đích để biết tình trạng thực hư của tạng phủ, khí huyết, tân dịch con người, sự biến hóa nông sâu, nặng nhẹ của bệnh tật. Xem lưỡi ở 2 bộ phận chất lưỡi và rêu lưỡi.
  • Khi có bệnh, chất lưỡi thay đổi về màu sắc hình dáng và cử động phản ánh tình trạng hư thực của tạng phủ, thịnh suy của khí huyết; rêu lưỡi thay đổi về màu sắc, tính chất phản ánh vị trí nông sâu, tính chất của bệnh tật và sự tiêu trưởng của chính khí và tà khí.

Văn chẩn (nghe, ngửi)

Mục đích: Chẩn đoán thông qua nghe tiếng nói, tiếng thở, tiếng ho, tiếng nấc và ngửi mùi của người bệnh ở mũi, mồm, đờm, phân, nước tiểu.

Nghe âm thanh

  • Tiếng nói: Tiếng nói nhỏ, thều thào không ra hơi: hư chứng; nói sang sảng: thực chứng, mê sảng nói nhiều là thực nhiệt; nói giọng do phong đàm, trúng phong; nói một mình là tâm thần hư.
  • Tiếng thở: Thở to là thực chứng hay gặp ở các bệnh cấp tính; thở nhỏ, ngắn. gấp. nông là hư chứng.
  • Tiếng ho: Ho có đờm là thấu, ho không đờm là khái, ho khan là bệnh nội thương, phế âm hư. Bệnh cấp mà khản tiếng do phế thực nhiệt, ho lâu ngày mà khản tiếng là phế âm hư. Ho, hắt hơi, sổ mũi là do cảm mạo phong hàn; ho từng cơn, nôn mửa là ho gà.
  • Nấc: Nấc liên tục, tiếng ho, có sức là do thực nhiệt; nấc yếu, đứt quãng là dư hàn.

Ngửi mùi vị

Mùi của người bệnh ở mũi, mồm, đờm, phân, nước tiểu có thể giúp Bác sĩ phân biệt tình trạng hư, thực, hàn, nhiệt của bệnh:

  • Phân tanh hôi, loãng do tỳ hư.
  • Nước tiểu khai đục do thấp nhiệt.
  • Đại tiện phân chua thối do tích nhiệt, thực tích,…

Vấn chẩn (hỏi)

Hỏi về các chứng trạng hiện tại, các quá trình bệnh tật, chữa bệnh, nghề nghiệp, hoàn cảnh,…

Hàn nhiệt

Hỏi bệnh nhân có sợ lạnh, có phát sốt hay không, thời gian ngắn, dài và sự liên quan với các chứng trạng khác.

Mồ hôi

  • Sợ lạnh, phát sốt có mồ hôi là chứng biểu hư; không có mồ hôi là biểu thực.
  • Bình thường hay ra mồ hôi, lúc hoạt động mồ hôi càng ra nhiều, sau đó thì thấy lạnh là chứng tự ra mồ hôi (tự hãn) do khí hư và dương hư gây ra.
  • Mồ hôi vàng là thấp nhiệt, mồ hôi dính như dầu – tuyệt hãn (bệnh nặng).

Đầu, mình, ngực, bụng, các khớp xương

  • Xác định vị trí đau: đau đầu, đau ngực, vùng thượng vị, đau vùng thiểu phúc, đau lưng,…
  • Tính chất đau.
  • Mức độ và thời gian đau.
Hỏi người bệnh hoặc người nhà về các chứng trạng hiện tại (vấn chẩn)
Hỏi người bệnh hoặc người nhà về các chứng trạng hiện tại (vấn chẩn)

Ăn uống và khẩu vị

  • Miệng khát và uống nước nhiều: thực nhiệt; miệng khát mà không thích uống thuộc chứng thấp, hư hàn; nôn mửa, ỉa chảy khát nước là tân dịch bị tổn thương; miệng không khát, không thích uống là do hàn.
  • Bệnh mới không thèm ăn là do thức ăn tích trệ, ngoại cảm kèm thấp, khí trệ ở tỳ vị; bệnh cũ kém ăn là do tỳ vị hư nhược, thận dương hư; ăn nhiều, mau đói là chứng vị hỏa mạnh; đói mà không muốn ăn là vị âm hư.
  • Miệng đắng thuộc nhiệt, thường do nhiệt ở can, đởm; miệng vị chua hôi là trường vị tích nhiệt: miệng hôi là do vị hỏa đốt bên trong; miệng nhạt do đàm trọc hư chứng; miệng ngọt do thấp nhiệt ở tỳ, miệng mặn là do thận hư.

Giấc ngủ

Mất ngủ, hồi hộp, sợ hãi hay mê là do tâm huyết không đầy đủ; người vật vã, trằn trọc, lâu không ngủ thuộc chứng âm hư hỏa vượng, miệng đắng nôn ra đờm, hồi hộp vật vã, không ngủ được thường do đàm hỏa nhiễu tâm; tiêu hóa không tốt cũng gây mất ngủ.

Ngoài ra, phương pháp vấn chẩn còn quan tâm đến các vấn đề khác như: đại tiểu tiện, kinh nguyệt, khí hư,…

Thiết chẩn (xem mạch, sờ nắn)

Mục đích: bao gồm bắt mạch, sờ nắn để đánh giá tình trạng da, cơ, xương khớp của người bệnh.

Xem mạch

Có thể xem mạch ở tay, đùi, động mạch chày sau, mu chân, thái dương, thốn khẩu (quan trọng).

  • Mạch bình thường: mạch đập ở cả ba bộ không phù, trầm, người lớn khoảng 70 – 80 lần đập trong một phút, hòa hoãn có lực, đi lại điều hòa. Người xưa nói mạch bình thường là lạch có vị khí, có thần và có gốc “vị khí là gốc của con người” nên mạch có vị khí thì hòa giá tiên lượng của bệnh; mạch có thần là mạch có lực đó là gốc của mạch, khi có bệnh, mạch quan thốn mất  mà mạch xích còn thì bệnh tình chưa nguy hiểm.
  • Mạch khi có bệnh: mạch có thể thay đổi vị trí nông sâu, về tốc độ nhanh chậm và về cường độ có lực hay không có lực, có quy luật hay không có quy luật.

Sờ nắn

Sờ nắn để xem vị trí và tính chất của bệnh tật, thường xem tại da, thịt, tay chân và bụng.

  • Da thịt: đánh giá nhiệt độ, độ ẩm, khô của da hoặc có mức phù, mụn nhọt, sưng,…
  • Tay chân: chủ yếu xem về hàn nhiệt.
  • Bụng: tùy vị trí để xem tạng phủ nào có bệnh cần chú trọng đến cơn đau, ứ trệ của khí huyết, hư thực của bệnh tình.

Sau khi xem xét và tập hợp triệu chứng đầy đủ, Bác sĩ Y học cổ truyền có thể thực hiện việc chẩn đoán bệnh thuộc hội chứng nào của Bát cương, bệnh của tạng phủ, kinh lạc nào, do nguyên nhân nào gây ra, từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho người bệnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *