Thuốc Y Học Cổ Truyền

Thuốc Y học cổ truyền có nguồn gốc tự nhiên gồm các loại thực vật, động vật, khoáng vật xuất hiện từ kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh với bệnh tật của nhân dân mà tìm ra. Để sử dụng thuốc cần có sự hiểu biết nhất định về quá trình bào chế, tính năng dược vật, sự quy kinh, phối ngũ và kiêng kỵ đảm bảo hiệu quả và an toàn.

Nguồn thuốc Y Học Cổ Truyền

Thuốc Y học cổ truyền bao gồm các loại thực vật, động vật, khoáng vật và một số chế phẩm hoá học.

Sự xuất hiện của thuốc là do kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh với bệnh tật của nhân dân mà tìm ra. Số lượng, chất lượng tiến bộ theo sự phát triển của nền sản xuất của xã hội. Thời nguyên thuỷ, thực vật hay động vật do nguồn tự nhiên cung cấp, sau thiếu dần phải gieo trồng, thu hái và chăn nuôi. Các loại thuốc khoáng vật phát triển theo nguồn khai thác mỏ như thạch cao, chu sa, hùng hoàng,…

Thuốc là do kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh với bệnh tật của nhân dân mà tìm ra
Thuốc là do kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh với bệnh tật của nhân dân mà tìm ra

Ở nước ta, trước khi có nền y tế Xã hội chủ nghĩa, các thuốc thường dùng đều phải nhập. Hiện nay ta đã tìm và xác định theo khoa học được nhiều cây thuốc có trong nước, một số thuốc đã di thực được như: sinh địa, bạch truật, huyền sâm, bạch chỉ,… Một số vị thuốc do điều kiện đất đai, thổ nhưỡng chưa di thực được còn phải nhập.

Thu hái – Bảo quản

Thu hái

  • Các bộ phận cây thuốc có thời kỳ sinh trưởng nhất định nên thời gian thu hái khác nhau để đảm bảo tỷ lệ hoạt chất cao nhất.
  • Gốc, củ, vỏ, rễ: Đầu xuân cuối thu, mùa đông (lúc cây khô héo hoạt chất tập trung tại rễ). Mầm, lá, mùa xuân hè. Hoa thu hái lúc ngậm nụ hoặc mới nở như hoa cúc, hoa kim ngân. Quả thu hái lúc đã chín, hạt thu hái lúc quả thật chín.

Bảo quản

  • Tránh ẩm thấp, nóng, ánh sáng mặt trời, sâu mọt.
  • Cần đậy kín thuốc có tinh dầu, phơi chỗ râm (âm can).

Bào chế thuốc

Mục đích

  • Làm mất hoặc làm giảm chất độc của thuốc.
  • Điều hoà lại tính năng của vị thuốc, làm hoà hoãn hoặc tăng công hiệu.
  • Bỏ tạp chất, làm cho sạch.

Qua bào chế, giúp cho bảo quản dễ dàng, sử dụng thuận lợi, dự trữ được thuốc vì thuốc thực vật sinh trưởng có mùa.

Phương pháp bào chế

1. Dùng lửa (hoả chế):  Dùng lửa trực tiếp hay gián tiếp hong, sấy, đốt làm khô ráo, xém vàng, thành than.

  • Nung: bỏ ngay vị thuốc vào lửa đỏ, hoặc nung trong nồi chịu lửa, thường dùng cho các loại thuốc kháng vật: Mẫu lệ, Từ thạch,… làm cho mất nước tăng tác dụng hấp thu hoặc thu sấp.
  • Bào: cho vị thuốc vào chảo sao trong chốc lát, đến khi xém vàng xung quanh, nứt nẻ, làm giảm tính mãnh liệt của thuốc như Bào khương.
  • Lùi: đem vị thuốc bọc giấy ướt hay cám lùi vào tro nóng hoặc than đến khi giấy cháy, cám cháy là được để thu hút một số hoạt chất có dầu, làm giảm bớt độc tính của thuốc như Cam toại.
  • Sao: đem vị thuốc cho vào nồi rang, chảo mà sao, là phương pháp hay dùng nhất. Tuỳ mức độ nóng khác nhau ta có sao vàng: Bạch truật, Hoài sơn; sao cháy; Quả dành dành; sao đen (thành than tồn tính vẫn giữ nguyên hình dạng chưa thành tro): Trắc bá diệp. Thường sao vàng để kiện tỳ, sao đen để cầm máu.
  • Sấy: sấy thuốc trên than, trong lò sấy. Sấy khô: Cúc hoa, Kim ngân hoa; sấy vàng khô giòn như: Thuỷ điệt, Manh trùng.
  • Chích: (nước) chích là sao có tẩm mật, đường và các thành phần khác đến khi không dính là được. Chính để làm tăng tác dụng của vị thuốc, như chích cam thảo với mật để làm tăng tác dụng dinh dưỡng, nhuận phế.
Hỏa chế và thủy chế là 2 phương pháp bào chế thuốc Y học cổ truyền
Hỏa chế và thủy chế là 2 phương pháp bào chế thuốc Y học cổ truyền

2. Dùng nước (thuỷ chế): Dùng nước làm cho vị thuốc sạch, mềm dễ thái giảm độc tính.

  • Rửa: làm sạch chất bẩn, đất.
  • Giặt sạch: Lâu công hơn rửa, dùng nguồn nước tưới vào thuốc cho trôi tạp chất.
  • Ngâm: Dùng nước nguội hay nước sôi để ngâm. Đào nhân ngâm nước dễ bóc vỏ. Nếu vị thuốc cứng phải ngâm lâu cho mềm dễ thái, giảm độc tính.
  • Tẩm: Ngâm cho mềm vị thuốc dễ bào nhỏ
  • Thuỷ phi: Cho thêm nước vào nghiền chung với thuốc để tán nhỏ mịn và thuốc không bay ra như Hoạt thạch, Chu sa, Thanh đại.
  • Phối hợp dùng lửa nước (thuỷ hoả hợp chế)
  • Chưng: chưng cách thuỷ cho chín, hoặc chưng với rượu như thục địa để làm mất tính đắng lanh của thuốc, thay đổi công hiệu.
  • Nấu: đém thuốc nấu với nước, nước sắc vị thuốc khác, giấm. Nấu lấy tinh chất hoà tan rồi cô thành cao.
  • Tôi: đem vị thuốc nung đỏ tôi với nước, giấm làm cho tan rã và ngậm nước, thường dùng cho các loại khoáng vật.

 Ngoài ra còn dùng giấm, rượu nước cơm, nước muối ăn mà chế chung với các cách tẩm, ngâm nước, nướng, sao, chưng để  đạt yêu cầu chữa bệnh: rượu đưa lên, gừng phát tán, muối vào thận, giấm vào can.

Tính Năng Dược Vật

Tính năng dược vật là tác dụng dược lý của vị thuốc để điều chỉnh lại sự mất thăng bằng về âm dương trong cơ thể. Tính năng của vị thuốc gồm khí vị, thăng giáng, phù trầm và bổ tả.

Tứ khí

Còn gọi là tứ tính gồm: hàn (lạnh), nhiệt (nóng), ôn (ấm), lương (mát) Bốn loại tính chất này do sự phản ứng cơ thể khi dùng thuốc, mà nhận thấy.

Hàn lương thuộc âm; nhiệt, ôn, thuộc dương. Những thuốc hàn dương còn gọi là âm dược dùng để thanh nhiệt hoả, giải độc, tính chất trầm giáng chữa chứng nhiệt, dương chứng. Những thuốc ôn  nhiệt còn gọi là dương dược để ôn trung, tán hàn, tính chất thăng phù để chữa chứng hàn, âm chứng. Ngoài ra còn một số loại thuốc không rõ rệt tính chất hoà hoàn gọi là tính bình.

Vì vậy, muốn chữa bệnh và sử dụng thuốc đúng đắn, phải chẩn đoán bệnh xem thuộc chứng hàn hay chứng nhiệt, sau đó nắm chắc tính chất của thuốc để sử dụng. Chẩn đoán sai, dùng nhầm thuốc sẽ đem lại hậu quả không tốt cho người bệnh.

Ngũ vị

Thông qua vị giác mà nhận thấy vị: cay (tân), chua (toan), đắng (khổ) ngọt (cam), mặn (hàm) của vị thuốc. Ngoài ra còn vị đạm không có vị rõ rệt, nên có tài liệu ghi là lục vị.

  • Vị cay (tân): có tác dụng bổ dưỡng để chữa các chứng hư, hoà hoãn để giảm cơn đau, bớt độc tính của thuốc hay giảm độc cơ thể khi dùng làm thuốc, điều hoà tính của các vị thuốc. như: Đẳng sâm, Hoàng kỳ bổ khí; Thục địa, Mạch môn bổ âm; Kẹo mạch nha chữa cơn đau dạ dày.
  • Vị đắng (khổ): có tác dụng tả hạ và táo thấp dùng để chữa chứng nhiệt, chứng thấp, như: Hoàng liên, Hoàng bá thanh nhiệt trừ thấp chữa lỵ và ỉa chảy nhiễm trùng; Thương truật kiện tỳ táo thấp chữa ỉa chảy, đờm nhiều.
  • Vị chua (toan): hay thu liễm, cố sáp, chống đau dùng để chữa chứng ra mồ hôi (tự hãn), ỉa chảy, di tinh. Như Kim anh, Sơn thù liễm mồ hôi, cố tinh, sáp niệu, Kha tử, Ngũ bột tử chữa ỉa chảy lâu ngày, sau trực tràng; Ô mai chữa đau bụng cho giun.
  • Vị mặn (hàm): hay đi xuống, làm mềm nơi bị cứng hoặc các chất ứ đọng cứng rắn (nhuyễn kiên), thường dùng chữa táo bón, lao hạch, viêm hạch; như: Mang tiêu (thành phần chủ yếu là Natri Sulfat) gây nhuận tràng, tẩy.
  • Vị đạm: hay thắng thấp, lợi niệu dùng chữa các chứng bệnh do thuỷ thấp gây ra (phù thũng), như: Ý dĩ, Hoạt thạch có tác dụng lợi niệu.

Ngũ vị có quan hệ rất mật thiết với tứ khí, ngũ tạng, ngũ sắc, trên cơ sở này để định tác dụng của thuốc, tìm thuốc và bảo chế thuốc.

Quan hệ giữa khí và vị: khí và vị kết hợp với nhau thành tính năng thuốc, không thể tách rời ra được. Có những thứ thuốc một khí nhưng kiêm mấy vị: như Quế chi tính ôn nhưng vị ngọt, cay; Sinh địa tính lạnh nhưng vị đắng, ngọt.

Quan hệ giữa ngũ vị, ngũ sắc, ngũ tạng: người xưa dựa vào quan hệ này để tìm cây thuốc, sơ bộ  nhận xét về tác dụng lâm sàng: vị chua, sắc xanh vào can: vị ngọt, sắc vàng vào tỳ: vị cay, sắc trắng vào phế: vị đắng, sắc đỏ vào tâm: vị mặn sắc đen vào thận.

Thăng, giáng, phù, trầm

Thăng giáng phù trầm là chỉ xu hướng tác dụng của thuốc: thăng là đi lên, giáng là đi xuống, phù là phát tán ra ngoài, trầm là thẩm lợi vào trong và xuống dưới.

Các vị thuốc thăng và phù đều đi lên, hướng ra ngoài thường có tác dụng: thăng dương, phát biểu, tán hàn. Các vị thuốc trầm và giáng thường đi xuống và vào trong nên có tác dụng: tiềm dương, giáng nghịch, thu liễm, thẩm lợi, tả hạ.

Tính chất thăng, giáng, phù, trầm, quan hệ mật thiết với khí, vị và tỷ trọng nặng, nhẹ của vị thuốc. Khí, vị: vị cay, ngọt, tính ôn nhiệt thuộc dương thường là các vị thuốc thăng như Ma hoàng, Quế chi, Gừng, vị đắng, chua, mặn, tính hàn, lương thuộc âm thường là các thuốc trầm, giáng như Đại Hoàng, Mang tiêu, Hoàng liên. Tỷ trọng: thuốc loại hoa, lá là những vị thuốc nhẹ thuốc loại phù thăng như Lá sen, Bạc hà, Kinh giới: các vị thuốc khoáng vật, hạt, quả có tỷ trọng nặng thuộc trầm giáng như Mẫu lệ, Long cốt, Tô tử Chỉ thực, Thục địa.

Trên lâm sàng, bệnh tật phát sinh ở những vị trí khác nhau của cơ thể: trên, dưới, trong, ngoài, Xu thế của bệnh có khi nghịch lên trên (nôn, nấc), khi giáng xuống dưới (ỉa chảy, sa trực tràng),… nên khi dùng các loại thuốc có phân biệt khác nhau.

Bệnh tại biểu thường dùng các thuốc phù thăng mà không dùng thuốc trầm giáng: bệnh tại lý, dưới thường dùng các thuốc trầm giáng mà không dùng thuốc phù thăng.

Bệnh nghịch lên trên cây rức đầu dùng Thạch quyết minh, Mẫu lệ để trầm giáng. Bệnh thể đi xuống thì dùng các thuốc đi lên như chứng tỳ hư hạ hàm gây chứng sa trực tràng phải dùng các thuốc kiện tỳ, thăng dương như Hoàng kỳ thăng ma, Sài hồ để chữa, nếu dùng thuốc đắng lạnh để hạ, bệnh lại  càng nặng thêm.

Tính chất thăng, giáng, phù, trầm của vị thuốc còn có thể thay đổi tùy theo sự bào chế và sự phối ngũ: về bào chế vị thuốc sao với rượu thì đi lên, sao với nước ngừng thì phát tán, sao với giấm thì thu liễm, sao với muối thì đi xuống. Ví dụ: Hương phụ vị cay, đắng, tính ôn là loại thuốc trầm giáng, về phối ngũ: vị thuốc thăng phù dùng với đa số vị thuốc trầm giáng sẽ đi xuống, vị thuốc trầm giáng ở cùng nhiều vị thuốc thăng phù có thể theo đó mà đi lên trên.

Thuốc YHCT điều chỉnh lại sự mất thăng bằng âm dương trong cơ thể
Thuốc YHCT điều chỉnh lại sự mất thăng bằng âm dương trong cơ thể

Bổ tả

Bệnh tật là quá trình đấu tranh mất đi hay phát triển của chính khí và tà khí. Vì vậy bệnh tật có 2 mặt: hư và thực. Nguyên tắc chữa bệnh: hư thì bổ, thực thì tả, do đó tính năng của thuốc căn cứ yêu cầu chữa bệnh còn chia làm 2 loại bổ và tả.

Trong khi vận dụng thuốc để chữa bệnh trước hết phải nắm được khí, vị sau đó tiến lên phân loại thuốc bổ hay tả. Ví dụ: Hoàng liên tính hàn có tác dụng thanh nhiệt táo thấp là thuốc tả; Thiên môn tính hàn, chữa âm hư gây sốt là thuốc bổ: Đào nhân có tác dụng hoạt huyết chữa chứng ứ huyết là thuốc tả: Bạch thược bổ huyết chữa chứng huyết hư là thuốc bổ.

Trên thực tế lâm sàng, do tính chất phức tạp của bệnh tật, chứng hư và chứng thực lẫn lộn, hoặc bẩm tố là hư mắc thêm bệnh mới thì khi dùng thuốc phải vận dụng bổ tả cùng dùng để chữa bệnh (công bổ kiêm trị).

Sự Quy Kinh Của Thuốc

Quy kinh là tác dụng đặc biệt của các vị thuốc đối với các bộ phận khác nhau của cơ thể, tuy về tính năng dược vật (khí, vị, bổ, tả) có thể giống nhau, nhưng tác dụng chữa bệnh ở các vị trí lại khác nhau. Ví dụ: bệnh nhiệt phải sử dụng thuốc hàn lương, nhưng nhiệt ở phế, vị, đại tràng… khác nhau, phải sử dụng thuốc khác nhau.

Sự quy kinh của thuốc căn cứ vào:

Cơ sở hệ kinh lạc và các tạng phủ để thể hiện sự quy kinh:

Quy kinh là đem tác dụng của vị thuốc quan hệ với: lục phủ ngũ tạng và 12 kinh mạch, nói rõ tác dụng của vị thuốc đối với bệnh trạng của phủ, tạng, kinh lạc nào đó.

Theo kinh nghiệm thực tế lâm sàng, người xưa đã tổng kết một số các triệu chứng quy nạp thành hội chứng bệnh của từng kinh lạc, từng tạng phủ, sau đó nghiên cứu tác dụng của thuốc thấy nó tác dụng vào kinh lạc, tạng phủ nào.

Ví dụ: Cát cánh, Hạnh nhân chữa chứng ho hen thuộc bệnh của phế: Táo nhân vào tâm kinh vì nó tác dụng an thần: Cương tàm vào can vì chữa co giật.

Sự quy kinh lấy lý luận ngũ hành làm cơ sở, đặc biệt là quan hệ giữa ngũ sắc, ngũ vị, ngũ tạng. Như cam thảo màu vàng vị ngọt chữa bệnh ở tỳ và vị: Mang tiêu mặn và đen vào thận; Chu sa đắng và đỏ vào tâm,…

Căn cứ vào học thuyết kinh lạc về sự liên quan chặt chẽ giữa các đường kinh để thể hiện sự quy kinh:

  • Sài hồ là vị thuốc chữa bệnh thuộc đởm kinh cũng có tác dụng chữa vào kinh can (sơ can giải uất, thanh can minh mục) vì can và đởm có quan hệ biểu lý về đường kinh và tạng phủ.
  • Câu đằng là vị thuốc bình can tức phong chữa bệnh ở kinh can, cũng có tác dụng đến tâm bào lạc vì kinh can và kinh tâm bào lạc cũng là kinh quyết âm.

Xem thêm: Các vị thuốc Đông Y

Sự Phối Hợp Của Các Vị Thuốc

Phối ngũ là việc sử dụng hai vị thuốc trở lên, nó là cơ sở cho việc tạo thành các bài thuốc dùng trên lâm sàng. Mục đích của sự phối ngũ các vị thuốc là để phát huy hiệu lực chữa bệnh, hạn chế tác dụng xấu của vị thuốc, mặt khác để thích ứng với những chứng hậu bao gồm nhiều triệu chứng phức tạp trong quá trình bệnh tật.

Có 7 loại phối ngũ sau đây:

Tương tu: 2 thứ thuốc cùng một tác dụng hỗ trợ kết quả cho nhau

Tương sử: 2 vị thuốc trở lên dùng chung, một thứ là chính một thứ là phụ để nâng cao hiệu quả chữa bệnh.

Tương uý:khi một thứ thuốc có tác dụng xấu dùng chung với một vị khác để chế ngự: Ví dụ: Bán hạ sống gây ngứa dùng với Gừng cho hết ngứa.

Tương sát:một vị thuốc có độc, dùng với một vị khác để tiêu trừ độc tính trở lên không độc.

Tương ố:hai thứ thuốc dùng chung với nhau sẽ làm giảm hoặc làm mất hiệu lực của nhau như Hoàng cầm với Sinh khương.

Tương phản: một số ít thuốc đem phối ngũ gây tác dụng độc thêm, như Ô đầu với Bán hạ.

Ngoài ra còn lối dùng đơn độc một vị thuốc mà tác dụng như Độc sâm thang (có một vị Nhân sâm).

Bảy loại phối ngũ này Y học cổ truyền gọi là thất tình hoà hợp.

Kiêng kỵ

Những vị thuốc cấm kỵ khi có thai

Loại cấm dùng: Ba đậu (tả hạ), Khiên ngưu, Đại kích, Thương lục (trục thuỷ): Tam thất (hoạt huyết); Xạ hương (phá khí); Nga truật, Thuỷ diệt, Manh trùng (phá huyết). Các vị thuốc trên có tác dụng trục thuỷ, tả hạ, phá khí, phá huyết.

Loại dùng thận trọng: Đào nhân, Hồng hoa (hoạt huyết); Bán hạ, Đại hoàng (tả hạ): Chỉ thực (phá khí); Phụ tử, Can khương, Nhục quế (đại nhiệt). Các vị thuốc trên có tác dụng phá khí, tả hạ, hoạt huyết, đại nhiệt.

Các vị thuốc tương phản lẫn nhau

Cam thảo chống: Cam toại, Nguyên hoa, Hải tảo

Ô dầu phản: Bối mẫu, Bán hạ, Bạch cập, Bạch liễm.

Lê lô phản: các loại Sâm, Tế tân, Bạch thược

Cấm kỵ trong khi uống thuốc

Cam thảo, Hoàng liên, Cát cánh, Ô mai kiêng ăn thịt lợn: Bạc hà kiêng Ba ba; Phục linh kiêng gấm.

Khi ăn uống chú ý không nên dùng các thức ăn chống lại tác dụng của thuốc.

Ví dụ: dùng thuốc ôn trung trừ hàn (nóng ấm) không ăn các đồ ăn lạnh; dùng các thuốc kiện tỳ, tiêu đạo không nên ăn chất béo, chất khó tiêm dùng thuốc an thần không nên ăn chất kích thích.

Tham khảo bài viết: http://yhoccotruyenqd.vn/kien-thuc-yhct/Duoc-hoc-co-truyen/DAI-CUONG-VE-THUOC-7/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *