Mất cân bằng cơ xảy với hầu hết mọi đối tượng, nguyên nhân xuất phát từ công việc, sinh hoạt hàng ngày đến thói quen tập luyện. Sự mất cân bằng này có thể dẫn đến đau, cứng, chấn thương và các mặt bệnh cơ xương khớp.
Mất cân bằng cơ là gì?
Sự cân bằng cơ có thể được mô tả là sự hoạt động, hài hòa tương ứng giữa cơ đối kháng và cơ chủ vận, sự cân bằng này cần thiết cho các vai trò và vận động bình thường của cơ thể
Theo Định luật Sherrington: Cân bằng cơ = Sức mạnh + Chiều dài cơ.
Mất cân bằng cơ là tình trạng mất cân bằng giữa hai cơ hoặc nhóm cơ có chức năng đối lập nhau. Thông thường, tình trạng này liên quan đến sự kết hợp của tình trạng co rút, căng thẳng và yếu cơ. Các hoạt động hàng ngày, chơi thể thao hoặc bệnh tật có thể dẫn đến tình trạng mất cân bằng cơ này.
Mất cân bằng cơ gây căng cơ tăng lên ở các khớp và gân, đồng thời căng cơ ở các cơ khác cũng như gây ra tư thế xấu. Một ví dụ thường gặp về mất cân bằng cơ là cơ lưng co thắt và cơ bụng yếu, có thể do ngồi làm việc sai tư thế trong thời gian dài. Sự mất cân bằng này gây ra tình trạng lưng cong và đau ở phần lưng dưới.
Đối tượng mất cân bằng cơ
Tình trạng mất cân bằng cơ thường xảy ra đối với nhóm người có đặc thù nghề nghiệp phải duy trì lâu ở một tư thế hoặc có tác động mạnh xuyên suốt đối với một nhóm cơ nhất định, chẳng hạn như:
- Nhân viên văn phòng.
- Lễ tân.
- Giáo viên, giảng viên.
- Tài xế.
- Người tập thể hình,…
Bên cạnh các nghề nghiệp nhóm người được nhắc đến bên trên, các kỹ thuật viên (Vật lý trị liệu) hoặc y sĩ (Y học cổ truyền) cũng gặp phải nhiều tình trạng mất cân bằng cơ trong quá trình hành nghề.
Phân loại mất cân bằng cơ
Về cơ bản, mất cân bằng cơ là sự mất cân bằng giữa cơ chủ vận (cơ chính) và cơ đối kháng, tức là giữa các cơ gấp và cơ duỗi. Sự co ngắn của cơ chủ vận làm yếu cơ đối kháng. Có hai loại mất căn bằng cơ chính:
Mất cân bằng chức năng
Là loại mất cân bằng cơ sự mất cân bằng về sức mạnh hoặc linh hoạt của các nhóm cơ đối kháng, đáp ứng với sự thích nghi các kiểu vận động phức tạp.
Loại mất cân bằng này là giai đoạn đầu, không đau, không tổn thương mô, thay đổi thích ứng với hoạt động cụ thể.
Mất cân bằng bệnh lý
Làm suy giảm chức năng và được xem là bệnh lý. Loại mất cân bằng này làm rối loạn chức năng khớp và mô hình chuyển động bị thay đổi từ đó dẫn đến đau.
Mất cân bằng bệnh lý có liên quan đến rối loạn chức năng, xảy ra khi có hoặc không có chấn thương, thay đổi thích ứng với hoạt động, có hoặc không đau.
Ngoài ra còn có các dạng mất cân bằng cơ khác, như:
- Giữa các cơ ổn định và cơ vận động.
- Giữa cơ bên trái và bên phải của cơ thể.
- Giữa nửa trên và nửa dưới của cơ thể.
Nguyên nhân và triệu chứng mất cân bằng cơ
Có nhiều lý do dẫn đến mất cân bằng cơ, thường là do kéo căng quá mức lên cơ trong các hoạt động như: chơi thể thao, sinh hoạt hàng ngày, công việc phải ngồi nhiều, sau chấn thương,…
Thể thao
Trong thể thao, tải trọng một bên hoặc luyện tập một bên hoặc không đúng cách thường là nguyên nhân gây mất cân bằng. Mất cân bằng có thể do quá tải và mệt mỏi cơ, cũng như do cơ yếu hoặc không được kéo căng.
Tính chất công việc
Ngồi trong thời gian dài cũng có khả năng gây mất cân bằng cơ mạn tính. Ví dụ nếu bạn đưa xương chậu về phía trước, phần thân trên sẽ ở tư thế thẳng đứng, trong đó cơ lưng và cơ bụng được cân bằng. Tất nhiên, rất khó để ngồi ở tư thế thẳng đứng này trong cả ngày làm việc. Do đó, bạn nên thay đổi tư thế ngồi liên tục trong suốt cả ngày.
Tư thế sinh hoạt
Tư thế thích nghi và tư thế xấu, chủ yếu xảy ra do chấn thương, có tác dụng tương tự nhau. Bằng cách lặp lại một hoạt động theo một cách không phù hợp nào đó, một số cơ bị căng thẳng quá mức, trong khi các cơ khác vẫn chưa được sử dụng hết.
Mắc bệnh khác
Việc thiếu tập thể dục và dị tật xương bẩm sinh (ví dụ như chân ngắn hoặc vẹo cột sống) cũng có nghĩa là các nhóm cơ không thể được sử dụng theo chức năng của chúng. Trong những trường hợp này, sự sắp xếp lại hoặc bù trừ trong cơ thể góp phần gây mất cân bằng cơ.
Mất cân bằng cơ có nguy hiểm không?
Việc các nhóm cơ trong cơ thể không cân đối có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Mất thẩm mỹ
Mất cân bằng cơ ảnh hưởng đến cấu trúc tự nhiên của khung thể, điều này khiến cơ thể có xu hướng lệch về 1 phía, gây mất cân đối. Một ví dụ cụ thể, khi bạn ngồi làm việc sai tư thế trong thời gian dài, điều này làm cơ ngực phát triển mạnh hơn so với cơ lưng trên, khiến phần lưng trên bị gù về phía trước. Điều này không chỉ làm bạn trông không được cân đối mà còn gây ra nhiều vấn đề về cột sống như đau lưng, đau cổ vai gáy, thậm chí là cong vẹo cột sống.
Hạn chế sinh hoạt
Các cơ bị tổn thương sẽ ngày càng yếu đi, trong khi các cơ còn lại phải gồng mình thay thế nhiệm vụ của cơ tổn thương. Tình trạng kéo dài gây ra đau nhức ê ẩm hoặc trở nên dữ dội khi hoạt động mạnh. Các cơn đau ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như: không thể ngồi làm việc lâu, khom cúi, chồm với khó khăn, mang vác hạn chế,…
Nhiều người chia sẻ rằng, họ đã phải chịu đựng các vấn đề đau cổ vai gáy, đau lưng trong thời gian dài nhưng vẫn nghĩ đó là vấn đề bình thường do sinh hoạt sai tư thế. Đến khi các đơn đau trở nên khó kiểm soát thì tình hình đã trở nặng và cần nhiều thời gian để điều trị.
Nguy cơ mắc vấn đề cơ xương khớp khác
Mất cân bằng cơ không đơn thuần chỉ làm mất cân đối cơ thể hay đau nhức mà còn tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm khác, ví dụ như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, viêm cột sống, cong vẹo cột sống, tổn thương gân cơ, dây chằng,…
Ngoài ra, nếu mất cân bằng kéo dài và trở nặng sẽ gây ra nhiều vấn đề về cơ xương khớp khác như:
- Hội chứng chéo trên (UCS): Được đặc trưng bởi tình trạng căng cứng ở cơ lưng trên và cơ cổ và yếu ở phía trước ngực và vai. Tình trạng này thường gặp ở những người ngồi nhiều giờ, dẫn đến tư thế đầu hướng về phía trước và vai tròn.
- Hội chứng chéo dưới (LCS): Liên quan đến tình trạng căng cứng ở cơ gấp hông và lưng dưới và yếu ở cơ bụng và cơ mông. LCS thường biểu hiện dưới dạng đường cong thắt lưng quá mức, gây đau lưng dưới.
- Độ nghiêng xương chậu về phía trước: Tình trạng này bắt nguồn từ cơ gấp hông, cơ dựng thắt lưng bị căng và cơ bụng và cơ mông bị yếu. Đây là nguyên nhân dẫn đến xương chậu nghiêng về phía trước, có khả năng gây khó chịu ở lưng dưới và thay đổi tư thế.
- Độ nghiêng xương chậu sang bên: Do mất cân bằng ở các cơ kiểm soát chuyển động sang hai bên của xương chậu, khiến một bên hông cao hơn bên kia. Sự mất cân bằng này có thể góp phần phân bổ lực không đều ở phần lưng dưới, hông và đầu gối.
- Hội chứng chèn ép vai: Tình trạng này thường là kết quả của sự mất cân bằng ở các cơ vai. Sự căng cứng ở ngực và yếu ở phần lưng trên và cơ chóp xoay làm hẹp không gian vận động của vai, có thể gây đau và hạn chế phạm vi chuyển động của vai.
Xem thêm: Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp Đông – Tây Y kết hợp
Cách điều trị mất cân bằng cơ
Việc giải quyết tình trạng mất cân bằng cơ đòi hỏi một phương pháp tiếp cận đa diện, lý tưởng nhất là dưới sự hướng dẫn của một chuyên gia phục hồi chức năng. Các chiến lược điều trị thường bao gồm kết hợp giữa các bài tập tăng cường sức mạnh cho các cơ ít được sử dụng, các bài tập kéo giãn và tăng độ dẻo dai cho các cơ bị sử dụng quá mức hoặc căng cứng, và các thay đổi đối với các hoạt động hàng ngày để ngăn ngừa mất cân bằng hơn nữa.
Phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị. Các kỹ thuật cũng như các bài tập có mục tiêu, liệu pháp vật lý trị liệu, giáo dục về tư thế và mẫu vận động phù hợp đều có thể góp phần khôi phục sự cân bằng và chức năng.
Mất cân bằng cơ không chỉ là vấn đề về ngoại hình mà còn liên quan trực tiếp đến sức khỏe của bạn. Hãy chăm sóc cơ thể một cách toàn diện để tránh những rắc rối không đáng có.