Việc ngồi quá lâu và ít vận động khiến các cơ mông bị suy yếu, gây ra hội chứng mông chết. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tư thế mà còn có thể dẫn đến các vấn đề về xương khớp khác.
Cấu Tạo Và Vai Trò Của Cơ Mông
Vùng mông là một hệ thống các nhóm cơ làm việc phối hợp, tạo nên chuyển động linh hoạt cho phần thân dưới. Gồm ba cơ mông chính:
Cơ mông lớn (gluteus maximus): cơ tạo nên hình dáng mông, là cơ lớn nhất và nông nhất trong các cơ mông.
- Vị trí: từ bề mặt mông phía sau của xương chậu, xương cùng và xương cụt, gồm các sợi chạy dọc mông một góc 45 độ, bám vào đường chậu chày và lồi củ mông của xương đùi.
- Chức năng: duỗi hông, xoay bên, dạng và khép đùi, đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động như chạy, leo cầu thang.
Cơ mông nhỡ (gluteus medius): cơ hình quạt, nằm giữa cơ mông lớn và cơ mông nhỏ.
- Vị trí: bắt đầu từ bề mặt mông của xương chậu và chèn vào bề mặt bên của mấu chuyển lớn xương đùi.
- Chức năng: dạng chân, xoay trong, ổn định xương chậu trong quá trình vận động; hỗ trợ các hoạt động mạnh như chạy, đạp xe, leo cầu thang.
Cơ mông nhỏ (gluteus minimus): cơ sâu và nhỏ nhất trong 3 cơ.
- Vị trí: bắt đầu từ xương chậu và tụ lại tạo thành một gân, chèn vào phía trước của mấu chuyển lớn xương đùi.
- Chức năng: tương tự cơ mông nhỡ và hỗ trợ các tư thế một chân.
Hội Chứng Mông Chết Là Gì?
Hội chứng mông chết (Dead Butt Syndrome – DBS) hay còn gọi là viêm gân cơ mông (Gluteus Medius Tendinosis) liên quan đến mất cân bằng cơ xuất hiện khi một trong ba khối cơ ở vùng mông trở nên suy yếu, phổ biến nhất là khối cơ mông lớn. Từ “chết” trong hội chứng mông chết có nghĩa là mất hoặc suy giảm chức năng của các cơ vùng mông không thường được sử dụng đến.
Hội chứng mông chết xuất phát từ việc cơ mông không được sử dụng hoặc sử dụng quá mức, làm chúng “quên đi” vai trò và chức năng vốn có. Nhóm người ít vận động, ngồi nhiều như dân văn phòng, tài xế,… là đối tượng thường gặp của hội chứng này. Tuy nhiên, cả vận động viên vận động nhiều cũng có nguy cơ mắc phải. Điều này cho thấy, bất kỳ ai, dù ít hay nhiều vận động, đều có nguy cơ gặp phải tình trạng này nếu không tập trung vào việc rèn luyện cơ mông.
Sự suy giảm chức năng của cơ mông kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến sinh cơ học của cơ thể, dẫn đến các vấn đề về cột sống, khớp gối và các vùng lân cận.
Nguyên Nhân Của Hội Chứng Mông Chết
Hội chứng mông chết chủ yếu xuất phát từ tư thế ngồi kéo dài. Sự co rút của các cơ gấp hông làm giảm khả năng hoạt động của cơ mông, gây ra tình trạng mất cân bằng cơ và dẫn đến viêm gân cơ mông. Ngoài ra, tư thế ngồi kéo dài làm giảm lưu lượng máu đến vùng mông, gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ và dẫn đến các triệu chứng như đau hông, đau lưng dưới và có thể ảnh hưởng đến khớp gối, khớp mắt cá chân.
Tuy nhiên, ngồi nhiều không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra hội chứng mông chết, đi bộ nhanh mà không khởi động cũng có thể là nguyên nhân. Khi cơ gấp hông bị căng cứng, cơ mông phải làm việc quá sức để bù lại, dễ dẫn đến viêm gân.
Các vận động viên, đặc biệt là vận động viên chạy hoặc thực hiện các động tác tập trung ở vùng đùi trước và sau (vận động viên marathon, vũ công ba lê, vận động viên thể hình,…) cũng có nguy cơ cao mắc hội chứng mông chết. Việc ưu tiên phát triển cơ đùi quá mức mà bỏ qua cơ mông có thể dẫn đến mất cân bằng cơ và tăng nguy cơ chấn thương.
Dấu Hiệu Cảnh Báo Hội Chứng Mông Chết
Hội chứng mông chết hay viêm gân cơ mông dẫn đến nhiều vấn đề về tư thế, vận động và gây ra các cơn đau nhức khó chịu. Để nhận biết sớm tình trạng này, hãy chú ý khi có các dấu hiệu sau:
- Ngồi lâu có cảm giác tê hoặc hơi đau ở mông, nhưng khi đứng dậy di chuyển có thể giảm bớt tình trạng trên.
- Đau và cứng ở một hoặc cả hai hông, vùng lưng dưới và đầu gối.
- Cảm giác đau lan xuống chân, giống như đau thần kinh tọa.
- Cơ mông và cơ gập hông cũng có thể bị ảnh hưởng. Xuất hiện cảm giác đau khi nằm nghiêng về bên hông bị tổn thương.
- Đau ở cẳng chân, hông và lưng.
- Đau và sưng tấy ở vùng mông do viêm bao hoạt dịch.
Hội Chứng Mông Chết Có Nguy Hiểm Không?
Hội chứng mông chết không chỉ gây đau nhức mà còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như: đau thần kinh tọa, thoái hóa cột sống,… Việc ngồi lâu, ít vận động và tư thế ngồi không đúng là những yếu tố nguy cơ chính.
Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, gây hạn chế vận động và làm giảm năng suất làm việc. Để phòng ngừa, bạn nên tập luyện đều đặn, điều chỉnh tư thế ngồi và đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Điều trị hội chứng mông chết như thế nào?
Tùy vào triệu chứng và tình trạng nặng nhẹ của người mắc hội chứng mông chết, Bác sĩ sẽ có chỉ định phương pháp Đông y hoặc Tây y phù hợp. Không được tự ý tự điều trị, bất kỳ phương pháp điều trị hội chứng mông chết nào cũng cần có chỉ định của chuyên gia y tế.
Y học cổ truyền
Châm cứu và xoa bóp, bấm huyệt là các phương pháp Y học cổ truyền được chứng minh có tác dụng trong điều trị hội chứng mông chết. Các thủ thuật truyền thống này kích thích các huyệt, dây thần kinh và mô liên kết quanh vùng mông, hông, lưng giúp tăng lưu lượng máu từ đó giảm đau, thư giãn cơ, điều hòa khí huyết. Các động tác xoa bóp sâu giúp nuôi dưỡng các mô mềm, tăng cường sự đàn hồi của cơ.
Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng
Với những trường hợp hội chứng mông chết tiến triển nặng, việc kết hợp các kỹ thuật phục hồi chức năng như điện xung, siêu âm, sóng xung kích,… sẽ mang lại hiệu quả đáng kể.
Các phương pháp này không chỉ giúp giảm đau, giảm viêm mà còn kích thích tuần hoàn máu, tăng cường quá trình phục hồi tổn thương mô, từ đó giúp cơ mông nhanh chóng lấy lại sức mạnh và chức năng. Đặc biệt, đối với các vận động viên, phục hồi chức năng là một phần không thể thiếu trong quá trình hồi phục sau chấn thương.
Cách Phòng Ngừa Hội Chứng Mông Chết
Ngồi nhiều giờ làm việc khiến cơ mông của bạn trở nên “lười biếng” và yếu đi, gây ra hội chứng mông chết. Thay đổi thói quen trong sinh hoạt và tăng cường tập luyện là cách tốt nhất để phòng tránh hội chứng này.
Vận động thường xuyên
Cứ sau mỗi 30 phút làm việc, hãy đứng dậy đi lại để cơ mông được “đánh thức”.
Tập luyện các bài tập đơn giản
- Ngồi xổm tư thế nhảy rộng: Đứng với hai chân rộng bằng vai. Từ từ hạ thấp người xuống cho đến khi đùi song song với mặt đất, tạo thành góc 90 độ ở đầu gối. Dùng lực từ cơ mông để bật nhảy lên cao hết mức có thể. Khi hạ xuống, khụy gối nhẹ nhàng để trở lại tư thế ban đầu.
- Tập chân cùng dây đeo: Buộc dây kháng lực vào mắt cá chân. Thực hiện động tác bước ngang, tập trung vào việc co các cơ mông nhỏ và cơ mông nhỡ. Động tác này sẽ tăng cường cơ mông nhỡ và cơ mông bé đồng thời kích hoạt phần cơ mông chính.
- Side lunge: Hai chân đứng chụm lại, sau đó bước rộng hết mức có thể sang bên trái đồng thời cong đầu gối thành góc 90 độ, giữ chân phải thẳng. Lặp lại tương tự ở phía chân còn lại. Bài tập giúp tăng cường sức mạnh cho mông, cơ mông và gân kheo đồng thời tác động đến đùi trong và ngoài.
- Squats: Đứng hai chân dang rộng bằng vai, siết chặt cơ, gập gối đến khi đùi song song với mặt đất, từ từ trở lại tư thế ban đầu. Thực hiện 12 – 15 lần, 3 – 4 lần/ tuần.
- Nâng chân: Nằm thoải mái trên mặt phẳng. Giữ chân thẳng, từ từ nâng lên đủ cao và giữ một chút. Bài tập này tốt cho cơ cốt lõi và cơ gấp hông.