Sử dụng quá nhiều rượu trong thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là gan – cơ quan đảm nhận cả vai trò nội tiết và ngoại tiết của cơ thể.

Tổn thương gan do rượu gồm 3 hình thái:

  • Gan nhiễm mỡ (fatty liver)
  • Viêm gan do rượu (alcoholic hepatitis)
  • Xơ gan do rượu (alcoholic cirrhosis)

Trong đó, gan nhiễm mỡ là hình thái thường gặp nhất, chiếm trên 90% các bệnh gan do rượu. Nhưng gan nhiễm mỡ có thể hồi phục nếu ngưng uống rượu.

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

Bệnh cảnh viêm gan do rượu gồm các triệu chứng điển hình như:

  • Bệnh nhân chán ăn, buồn nôn, nôn, khó chịu, sụt cân, đau bụng và vàng da.
  • Sốt đôi khi cao tới 39 độ C có thể thấy vào khoảng ½ case.
  • Khám: gan to đau, lách to (1/3 trường hợp).
  • Nặng hơn có thể có: cổ trướng, phù, chảy máu, bệnh não.

Mặc dù vàng da, cổ trướng và hội chứng não – gan có thể giảm dần với kiêng rượu, nhưng nếu tiếp tục uống rượu và chế độ ăn kém dinh dưỡng có thể dẫn đến các đợt cấp lặp đi lặp lại với các biểu hiện của gan mất bù có thể dẫn tới tử vong.

YẾU TỐ NGUY CƠ GÂY BỆNH

Vì nguyên nhân chính của căn bệnh này là do việc sử dụng rượu nên các yếu tố nguy cơ gây bệnh có thể kể đến như:

  • Cách uống: rất quan trọng, nếu ngày nào cũng uống thì độc cho gan hơn khi uống thỉnh thoảng (vì gan không có thời gian hồi phục).
  • Giới tính: nữ dễ bị tổn thương gan do rượu hơn nam.
  • Tình trạng dinh dưỡng trước và trong khi uống: nếu uống rượu trong tình trạng thiếu dinh dưỡng sẵn thì dễ bị tổn thương gan hơn.
  • Cơ địa: những người bẩm sinh thiếu các yếu tố bảo vệ gan cũng góp phần làm cho gan bị tổn thương khi uống rượu quá liều, kéo dài.
  • Lượng rượu đưa vào: cồn càng nhiều thì độc tính càng cao, ví dụ như:

– Whisky, Vodka, Johnnie walker, rượu gạo: Có nồng độ cồn 40%, mỗi 30ml có khoảng 10gr.

– Rượu vang: 100ml ~ 10gr.

– Bia: Nồng độ cồn 4,8%, 250ml ~ 10gr

Như vậy nếu nam giới uống trung bình trên 80gr/ngày và nữ 60gr/ ngày, liên tục trên 10 năm thì nguy cơ xơ gan đến 12-15%.

Nếu uống > 160gr/ngày liên tục 7 ngày thì nguy cơ viêm gan rượu sẽ xảy ra và nếu tiếp tục uống trên 8 năm thì nguy cơ xơ gan là 40%.

VIÊM GAN DO RƯỢU THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

Y học cổ truyền không có khái niệm viêm gan, tuy nhiên có một số triệu chứng tương đồng trong bệnh cảnh viêm gan mạn như: Hoàng đản, Cổ chướng, Phù thũng,…

Cơ chế bệnh sinh

Ngoại tà xâm nhập qua bì phu tấu lý rồi theo huyết dịch của lạc mạch đổ vào kinh Toại thuộc Tỳ Vị (Ngọc bản thiên – Linh khu và Điều kinh luận – Tố vấn). Ngoài ra lại thêm tửu độc kết hợp với lao lực (là nguy cơ khiến cho viêm gan cấp thành mạn) khiến Tỳ mất chức năng vận hóa mà sinh Thấp, sinh Nhiệt.

Thấp Nhiệt tà theo tinh ba của thủy cốc mà đến. Can gây ra Can nhiệt tỳ thấp cản trở chức năng sơ tiết đởm trấp mà sinh chứng hoàng đản kèm đầy bụng, lợm giọng, chán ăn hoặc gây trở trệ Can khí mà sinh ra Can uất tỳ hư.

Nhiệt tà uất kết lâu ngày đưa đến cửu nhiệt thương âm khiến Can âm hư.

Thấp nhiệt gây trở trệ Can khí đưa đến Can khí uất kết làm Khí trệ huyết ứ.

Về lâu dài, thấp nhiệt uất kết ở Tỳ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến công năng vận hóa của Tỳ vị khiến cho Tỳ không vận hóa thủy thấp mà sinh ra cổ trướng và Tỳ không thống nhiếp huyết sinh ra chảy máu tự nhiên hoặc bệnh cảnh của Tỳ dương hư phát nhiệt với phát sốt, tay chân lạnh, bụng đầy trướng kèm chán ăn, lợm giọng, tiêu phân sống…

Triệu chứng, thể bệnh và điều trị

Can âm hư

Triệu chứng:

  • Hồi hộp, ngủ ít
  • Lòng bàn tay, chân nóng
  • Sốt âm ỉ
  • Khát nước, họng khô, hay cáu gắt.
  • Lưỡi đỏ
  • Táo bón, nước tiểu vàng
  • Mạch huyền tế sác

Pháp trị: Bổ Can âm.

Phương thuốc: Nhất quán tiễn gia giảm.

  • Sa sâm 12g
  • Sinh địa 12g
  • Nữ trinh tử 12g
  • Mạch môn 12g
  • Bạch thược 12g
  • Kỷ tử 12g
  • Hà thủ ô 12g

Can uất tỳ hư

Triệu chứng:

  • Đau tức vùng hông sườn phải
  • Miệng đắng, ăn kém
  • Người mệt mỏi
  • Đại tiện phân nhão
  • Chất lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng
  • Mạch huyền

Pháp trị: sơ Can giải uất kiện Tỳ.

Phương thuốc: Sài hồ sơ can thang gia giảm.

  • Sài hồ 12g
  • Bạch thược 08g
  • Chỉ thực 06g
  • Xuyên khung 08g
  • Hậu phác 06g
  • Cam thảo bắc 06g
  • Đương quy 08g
  • Đại táo 08g

Nếu đau tức vùng gan làm bệnh nhân khó chịu nên tăng thêm liều Bạch thược, Cam thảo , Xuyên khung , Chỉ thực, Hậu phác.

Can nhiệt tỳ thấp

Triệu chứng:

  • Miệng đắng, nhớt, chán ăn
  • Bụng đầy trướng
  • Đau vùng gan
  • Da vàng sạm
  • Tiểu tiện vàng
  • Lưỡi đỏ, rêu vàng
  • Táo bón, nước tiểu vàng

Pháp trị: Thanh nhiệt trừ thấp, sơ can.

Phương thuốc: Nhân trần ngũ linh tán.

  • Nhân trần 20g
  • Bạch truật 12g
  • Phục linh 12g
  • Trạch tả 12g
  • Xa tiền tử 12g
  • Đảng sâm 16g
  • Ý dĩ 16g
  • Trư linh 08g

Khí trệ huyết ứ

Triệu chứng:

  • Sắc mặt tối sạm, môi thâm.
  • Người gầy, lách to.
  • Ăn kém, đại tiện nát
  • Nước tiểu vàng, ít.
  • Chất lưỡi đỏ có điểm ứ huyết, rêu vàng.
  • Mạch huyền sáp

Pháp trị: hoạt huyết hóa ứ.

Phương thuốc: Tứ vật đào hồng gia giảm.

  • Bạch thược 12g
  • Đương quy 08g
  • Xuyên khung 12g
  • Đan sâm 12g
  • Hồng hoa 08g
  • Đào nhân 08g
  • Diên hồ sách 08g

Nếu lách to thêm Tam lăng 12g, Nga truật 12g, Mẫu lệ 20g, Quy bản 20g.