Đau đầu Migraine hay còn gọi là Đau đầu vận mạch hoặc Chứng đau nửa đầu là vấn đề thần kinh thường gặp nhất trong Chăm sóc Ban đầu. Theo những phát hiện của Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu (Global Burden Disease Study), đau đầu Migraine tiếp tục đứng thứ hai trong số các nguyên nhân gây tàn tật trên thế giới và đứng đầu ở nhóm phụ nữ trẻ.

ĐAU ĐẦU MIGRAINE LÀ GÌ?

Migraine là bệnh đau nửa đầu từng cơn theo nhịp mạch, cường độ thay đổi và có tính chu kỳ. Đau đầu Migraine là một rối loạn thường gặp vì chúng ảnh hưởng đến 18% phụ nữ và 6% nam giới, trong khi đau đầu Migraine mạn tính ảnh hưởng đến 2% dân số toàn cầu và đó là tình trạng cực kỳ nặng nề đối với người bệnh, gia đình họ và xã hội.

Đau đầu Migraine được phân làm 2 loại chính:

Migraine có tiền triệu

  • Phân loại này chỉ gặp trong 10% các trường hợp có Migraine. Bệnh nhân có giai đoạn tiền triệu kéo dài từ vài phút đến 30 phút trước cơn đau với các triệu chứng chủ yếu về mắt. Có 2 tiền triệu thường gặp là ám điểm chói sáng (trong thị trường bệnh nhân xuất hiện các điểm chói sáng di chuyển theo hình zigzac) hay bán manh đồng danh (mất 1/2 thị trường cùng bên).
  • Các tiền triệu ít gặp hơn là tê tay và tê mặt một bên hay mất ngôn ngữ thoáng qua. Khi các triệu chứng trên biến mất thì cơn đau xuất hiện.

Migraine không có tiền triệu

  • Loại Migraine này có cường độ đau ít hơn Migraine có tiền triệu.
  • Bệnh nhân không có các tiền triệu về mắt. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu báo trước như mệt mỏi, chán ăn, trầm cảm. Trong cơn đau bệnh nhân có tăng cảm giác vùng da đầu.

Trên cùng một bệnh nhân có thể có cả hai loại cơn là có và không có tiền triệu.

TRIỆU CHỨNG CỦA ĐAU ĐẦU MIGRAINE

Chúng ta có thể nhận biết được bản thân có đang mắc phải đau đầu Migraine thông qua một số triệu chứng điển hình sau:

  • Cơn đau thường khởi phát ở một bên, sau đó có thể lan 2 bên. Tuy nhiên, có trường hợp đau cả 2 bên ngay từ đầu.
  • Đau theo nhịp mạch và bệnh nhân có cảm giác động mạch thái dương đập mạnh.
  • Cường độ đau tăng dần và dữ dội, thời gian đau từ 4 – 72 giờ.
  • Các triệu chứng đi kèm: sợ ánh sáng, sợ tiếng động, buồn nôn và nôn ói, bệnh nhân thường vào nơi tối và yên tĩnh để bớt đau.

Trình tự xuất hiện triệu chứng theo thời gian

  1. Giai đoạn dự báo (Premonitory phase): các triệu chứng không đau xuất hiện vài giờ hoặc vài ngày trước khi bắt đầu đau đầu. Những triệu chứng này có thể bao gồm ngáp, thay đổi tâm trạng, khó tập trung, cứng cổ, mệt mỏi, khát nước và tần suất đi lại tăng cao.
  2. Tiền triệu (aura): tiền triệu thị giác là loại phổ biến nhất (90%) tiếp theo là cảm giác (30–54%) và ngôn ngữ (31%). Vận động, thân não và tiền triệu võng mạc không điển hình nên ít gặp hơn.
  3. Đau đầu: giai đoạn này là do sự kích hoạt các con đường cảm giác sinh ba tạo ra cơn đau nhói của chứng đau nửa đầu. Cường độ của cơn đau đầu tăng dần hoặc dữ dội ngay từ đầu và làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày. Đau đầu thường trở nên tồi tệ hơn khi bệnh nhân chuyển động đầu. Cơn đau thường đi kèm với các triệu chứng buồn nôn và nôn kèm theo tăng cảm giác đau với các kích thích nhỏ (allodynia), sợ ánh sáng (photophobia), sợ âm thanh (phonophobia) và sợ mùi (osmophobia).
  4. Sau cơn đau (Postdrome): các triệu chứng thường gặp nhất trong giai đoạn này là mệt mỏi, buồn ngủ, khó tập trung và quá mẫn cảm với tiếng ồn. Cơn đau càng dữ dội, các triệu chứng này sẽ càng dữ dội và kéo dài.

ĐAU ĐẦU MIGRAINE THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

Theo y học cổ truyền, đau đầu Migraine được gọi là Thiên đầu thống. Nguyên nhân sinh bệnh do khí huyết vùng đầu không được lưu thông, hoặc do khí huyết suy kém không đưa đủ lên kinh lạc vùng đầu mà gây bệnh.

Y học cổ truyền chia chứng Thiên đầu thống thành 2 nhóm nguyên nhân sau:

Nội nhân: là nhóm nguyên nhân là do các loại tình chí (giận dữ, lo lắng…) kéo dài quá lâu hoặc diễn ra quá mức mà không điều chỉnh lâu ngày làm Can khí uất kết hóa hỏa, thăng bốc lên trên. Bên cạnh đó, hỏa uất lâu ngày làm hao tổn âm huyết, gây mất quân bình âm dương, khiến cho Can dương thượng kháng, thượng nghịch lên trên gây bít lấp thanh khiếu, mạch lạc thất dưỡng sinh chứng Thiên đầu thống.

Bất nội ngoại nhân gồm 2 nhóm nguyên nhân:

  • Thứ nhất, bệnh nhân lao nhọc quá độ khiến khí huyết suy kém, kinh mạch thất dưỡng, nếu kèm theo bệnh nội thương lâu ngày sẽ làm khí huyết suy kém gấp bội, gây nên chứng Thiên đầu thống dai dẳng không dứt.
  • hứ hai, bệnh nhân ăn uống không điều độ khiến cho tạng Tỳ mất chức năng vận hóa, sinh đàm trọc gây tắc trở sự lưu thông của khí huyết mà sinh chứng Thiên đầu thống.

ĐIỀU TRỊ ĐAU ĐẦU MIGRAINE BẰNG PHƯƠNG PHÁP Y HỌC CỔ TRUYỀN

Để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, các Bác sĩ y học cổ truyền sẽ thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị tùy vào thể bệnh của bệnh nhân.

Can uất Tỳ hư

  • Triệu chứng: Đau nửa đầu thường xảy ra ở phụ nữ theo chu kỳ kinh nguyệt. Đau đầu thường khởi phát hoặc nặng hơn khi bị kích thích bởi yếu tố cảm xúc. Kinh nguyệt không đều, hành kinh đau bụng. Kèm theo căng tức vú, tê ngứa ran ngón tay, mặt, ngực sườn, nhìn mờ, hay thở dài, trầm cảm, mệt mỏi, bàn tay và bàn chân lạnh. Táo bón xen lẫn tiêu chảy. Lưỡi nhợt tối, mạch huyền tế.
  • Pháp trị: Sơ Can giải uất kiện Tỳ.
  • Châm cứu: Suất cốc, Dương bạch, Thái dương, Bách hội, Ấn đường, Phong trì, Ế phong, A thị huyệt, Hợp cốc.
  • Bài thuốc: Tiêu dao tán, gia giảm tùy vào bệnh cảnh.

Can dương xung

  • Triệu chứng: Đau đầu liên tục, cảm giác căng, tại hốc mắt hoặc vùng thái dương thường xảy ra ở người lớn tuổi khởi phát trong khi ngủ hoặc nặng về đêm. Kèm theo chóng mặt nhiều, sợ ánh sáng, dễ nóng giận cáu gắt, ù tai, khô miệng, đắng miệng. Lưỡi đỏ, rêu vàng mỏng, mạch huyền.
  • Pháp trị: Bình Can tiềm dương.
  • Châm cứu: Suất cốc, Dương bạch, Thái dương, Bách hội, Ấn đường, Phong trì, Ế phong, A thị huyệt, Hợp cốc.
  • Bài thuốc: Thiên ma câu đằng ẩm, gia giảm tùy vào bệnh cảnh.

Can Vị hư hàn

  • Triệu chứng: Đau đầu dữ dội vùng đỉnh, cảm giác lạnh, sợ gió, có thể nôn dịch trong, tay chân lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch huyền tế. Hội chứng bệnh này thường gặp trong cơn cấp đau đầu Migraine.
  • Pháp trị: Điều hòa Can Vị, ôn trung tán hàn, giáng nghịch, chỉ thống.
  • Châm cứu: Suất cốc, Dương bạch, Thái dương, Bách hội, Ấn đường, Phong trì, Ế phong, A thị huyệt, Hợp cốc.
  • Bài thuốc: Ngô thù du thang, gia giảm tùy vào bệnh cảnh.

Đàm nghịch

  • Triệu chứng: Đau nặng đầu, cảm giác thắt chặt quanh đầu, kèm chóng mặt, buồn nôn, nôn đàm dãi, nặng ngực. Tay chân mệt mỏi, tê tay chân, chán ăn. Lưỡi to dày bệu, rêu lưỡi nhớt, mạch huyền hoạt.
  • Pháp trị: Kiện Tỳ trừ đàm giáng nghịch.
  • Châm cứu: Suất cốc, Dương bạch, Thái dương, Bách hội, Ấn đường, Phong trì, Ế phong, A thị huyệt, Hợp cốc.
  • Bài thuốc: Bán hạ bạch truật thiên ma thang, gia giảm tùy vào bệnh cảnh.
  1. Huyết ứ trệ kinh lạc
  • Triệu chứng: Đau đầu kéo dài, đau cố định, cảm giác đau nhói như đâm. Có thể có tiền căn chấn thương vùng đầu. Lưỡi tím hoặc có điểm ứ huyết. Mạch huyền tế.
  • Pháp trị: Hành khí hoạt huyết hóa ứ thông kinh hoạt lạc.
  • Châm cứu: Suất cốc, Dương bạch, Thái dương, Bách hội, Ấn đường, Phong trì, Ế phong, A thị huyệt, Hợp cốc.
  • Bài thuốc: Thông khiếu hoạt huyết thang, gia giảm tùy vào bệnh cảnh.