Theo Học viện Dị ứng, Hen suyễn & Miễn dịch học Hoa Kỳ (AAAAI), có khoảng 10-30% dân số thế giới mắc chứng viêm mũi dị ứng.

VIÊM MŨI DỊ ỨNG LÀ GÌ?

Viêm mũi dị ứng là tình trạng mũi bị kích thích và viêm không phải do virus, vi khuẩn mà do các tác nhân từ môi trường như phấn hoa, lông động vật, lông sâu, bướm, khói bụi, mạt nhà.

Viêm mũi dị ứng thường được chia thành 2 dạng bao gồm:

  • Viêm mũi dị ứng theo mùa (thể có chu kỳ): Hay còn gọi là viêm mũi dị ứng thời tiết, thường xảy ra ở một vài thời gian nhất định trong năm.
  • Viêm mũi dị ứng quanh năm (thể không có chu kỳ): Là tình trạng bất cứ khi nào gặp phải các yếu tố dị ứng thì mũi đều bị kích ứng và viêm.

Một số có một số kiểu viêm mũi dị ứng thường gặp như sau:

Viêm mũi dị ứng theo mùa (thời tiết)

Các loại nấm mốc, phấn hoa đặc biệt phát triển khi giao mùa, là yếu tố gây bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết thường gặp nhất. Một người có thể dị ứng với một hoặc nhiều loại phấn hoa.

Viêm mũi dị ứng lâu năm

Người bị viêm mũi dị ứng lâu năm chủ yếu do tiếp xúc bụi bẩn trong nhà hay ngoài trời, lông chó mèo, gián, mọt và các loài gặm nhấm trong nhà…

Viêm mũi dị ứng không thường xuyên

Bệnh lý này chỉ xuất hiện khi người bệnh có tiếp xúc với phấn hoa, bụi bẩn, nấm mốc. Khi hết tiếp xúc thì triệu chứng bệnh cũng biến mất. Một số trường hợp có thể dị ứng với thức ăn, gây ra các biểu hiện như nổi mề đay, tiêu chảy, đau bụng…

Viêm mũi dị ứng nghề nghiệp

Một số người phải làm việc ở những nơi có chứa các tác nhân gây dị ứng như hóa chất, bụi gỗ, bụi phấn, lông thú, kim loại, lông thú… cũng có thể mắc bệnh viêm mũi dị ứng.

Đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh

Bất cứ ai cũng có thể bị viêm mũi dị ứng nhưng bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu người trong gia đình có tiền sử dị ứng. Ngoài ra, nếu bạn bị bệnh chàm da hoặc hen suyễn thì bạn cũng thuộc nhóm nguy cơ này.

Các yếu tố có thể làm kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm bệnh viêm mũi dị ứng bao gồm: hóa chất, thời tiết lạnh, độ ẩm cao, ô nhiễm không khí, khói thuốc lá, nước hoa, phấn hoa, bụi bẩn,…

TRIỆU CHỨNG CỦA VIÊM MŨI DỊ ỨNG

Có 2 nhóm triệu chứng viêm mũi dị ứng thường gặp:

Triệu chứng bệnh theo chu kỳ

Thường xuất hiện vào đầu mùa lạnh hoặc mùa nóng, khiến người bệnh cảm thấy ngứa mũi, hắt hơi liên tục, đỏ mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt, chảy nước mũi nhiều, dịch nhầy trong. Người bệnh cũng có thể có các biểu hiện như rát bỏng ở kết mạc, vòm họng, uể oải, mệt mỏi, nặng đầu.

Các triệu chứng này có thể kéo dài từ vài ngày đến một tuần rồi khỏi và cứ đúng vào giai đoạn đó thì bệnh lại tái phát, có khi kéo dài trong nhiều năm gây thoái hóa, phù nề niêm mạc mũi, nghẹt mũi, phì đại cuốn mũi,…

Triệu chứng bệnh không theo chu kỳ

Tình trạng thường gặp nhất với các biểu hiện như sổ mũi, hắt hơi, chảy mũi khi vừa thức dậy vào buổi sáng, giảm dần trong ngày nhưng lại tái phát khi tiếp xúc với bụi hay môi trường lạnh.

Ban đầu nước mũi trong suốt nhưng càng về sau thì càng đặc lại, chảy thành từng đợt, nặng hơn thì có thể hắt hơi liên tục trong nhiều giờ liền, gây ra tình trạng tiết dịch ứ đọng trong vòm họng nên người bệnh thường phải khạc nhổ làm tổn thương niêm mạc mũi họng.

Ngoài ra, người bệnh thường xuyên phải thở bằng miệng do nghẹt mũi nên rất dễ bị viêm họng, viêm thanh quản.

NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH

Các nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng chủ yếu đến từ môi trường sống, có thể kể đến như:

Các chất gây dị ứng trong nhà

Các tác nhân gây dị ứng trong nhà bao gồm: bụi, lông chó mèo, lông vải từ quần áo, chăn mền, nước hoa, mỹ phẩm, sữa tắm, xà phòng, nước xả vải, mùi thức ăn, nấm mốc,…

Các chất gây dị ứng trong không khí

Các tác nhân gây dị ứng trong không khí bao gồm: phấn hoa, lông sâu, bướm, bụi lúa trong mùa gặt, khói, bụi, mùi rác thải, gió, không khí lạnh, mưa,…

Các chất gây dị ứng nghề nghiệp

Các tác nhân gây dị ứng nghề nghiệp bao gồm: bụi phấn ở trường học, hóa chất trong các nhà máy, sợi vải trong các xưởng may, lông động vật trong các lò giết mổ, khói hương nhang trong các đền chùa, bụi xi măng trong các nhà máy vật liệu, bụi gỗ trong các xưởng mộc,…

Các yếu tố gây viêm mũi dị ứng tiềm ẩn ở mọi nơi nên chứng bệnh này rất dễ tái phát. Những người thường xuyên xịt rửa mũi thì các triệu chứng thường giảm nhẹ hơn.

BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM

Viêm mũi dị ứng không được điều trị có thể gây ra các biến chứng như niêm mạc mũi thoái hóa, phù nề gây nghẹt mũi; các cuốn mũi bị quá phát xen kẽ thoái hóa polyp; viêm loét vùng tiền đình mũi; viêm họng, viêm phế quản; viêm xoang; viêm tai giữa.

Đối với biến chứng viêm phế quản có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ nếu không được điều trị kịp thời. Viêm phế quản có thể lan xuống phổi gây viêm phổi, suy hô hấp, đe dọa tính mạng của trẻ.

VIÊM MŨI DỊ ỨNG THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

Bệnh học y học cổ truyền chưa có bệnh danh liên quan đến bệnh lý “Viêm mũi dị ứng”, nhưng dựa theo các triệu chứng viêm mũi dị ứng của y học hiện đại thì các biểu hiện của bệnh lý này được mô tả trong các nhóm chứng: Cảm mạo và Tỵ chứng thuộc loại bệnh chứng Ngũ Quan (Nhãn, Nhĩ, Tỵ, Hầu) của y học cổ truyền.

Định Nghĩa

 Theo từ điển y học cổ truyền, có các định nghĩa về chứng liên quan đến Tỵ như sau:

  • Tỵ uyên (uyên là nước sâu, vực sâu): Chứng bệnh có biểu hiện triệu chứng: Tắc mũi, chảy nước mũi như suối không ngừng, màu đục hoặc vàng đặc như mủ, mùi tanh – thối, kèm theo đau đầu, chóng mặt, hay quên. Nguyên nhân do ngoại cảm phong hàn, hoặc nhiệt kết ở Can kinh, hoặc Đởm di nhiệt ở Não, hoặc kiêm khí hư gây ra.
  • Não Lậu (chứng Tỵ uyên nặng hơn ): mũi chảy nước vàng, mùi thối, đau đầu, chóng mặt hay quên.
  • Tỵ lậu (lậu là nhỏ giọt, dò, dột, thủng ): có các triệu chứng như chảy mũi trong, nghẹt mũi, ngứa mũi, hắt hơi, rêu lưỡi trắng trơn mỏng, chất lưỡi nhợt, mạch phù, do ngoại cảm phong hàn nên Phế khí không thông. Nguyên nhân do lỗ mũi bị lở ngứa không chữa hoặc do tiên thiên bất túc . Tỵ lậu là chứng phù hợp nhất với bệnh cảnh viêm mũi dị ứng.
  • Tỵ cừu (cừu là tắc mũi, nghẹt mũi): Tắc mũi, Chảy nước mũi trong, luôn hắt hơi khi trời lạnh do Phế khí hư, vệ khí mất sự củng cố phối hợp cảm Phong hàn.
  • Cảm mạo: Do phong tà bệnh độc xâm nhập vào cơ thể mà gây bệnh, thường có phân ra phong hàn, phong nhiệt.

Các triệu chứng như chảy mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi, hắt hơi của 2 thể chính:

Thể Phong nhiệt

  • Sợ nóng, cảm giác nóng.
  • Chảy mũi nước mũi trắng có thể hơi vàng, đặc,  nghẹt mũi 1 bên hay 2 bên, ngứa mũi, hắt hơi, mắt đỏ 
  • Rêu lưỡi vàng mỏng. 
  • Mạch phù.

Thể Phong hàn

  • Sợ gió, sợ lạnh
  • Chảy mũi nước mũi trong, loãng nghẹt mũi một bên hay hai bên, ngứa mũi, hắt hơi.
  • Rêu lưỡi trắng mỏng. 
  • Mạch phù.

Điều trị theo phương pháp y học cổ truyền

Nguyên tắc điều trị chung

  • Điều trị theo chứng bệnh: thông khiếu mũi, giảm nghẹt mũi, sổ mũi.
  • Điều trị theo gốc bệnh: bồi dưỡng chính khí, nâng tổng trạng.

– Mũi tắc do Phế khí không thông: Tuyên thông Phế khí

– Mũi chảy nước trong, loãng do Phong hàn phạm Phế: Phát tán Phong hàn.

– Mũi chảy nước trắng, đặc do Phong nhiệt phạm Phế: Phát tán Phong nhiệt.

– Mũi chảy nước lâu ngày do Phế khí hư: ôn Phế khí, kiện Tỳ khí.

Điều trị cụ thể

Không dùng thuốc

Dùng phương pháp day ấn huyệt, châm cứu, dưỡng sinh.

  • Day ấn huyệt ấn đường: Dùng ngón tay cái hoặc ngón tay trỏ day bấm huyệt ấn đường trong 2 phút với một lực vừa phải sao cho đạt cảm giác căng tức là được.

– Vị trí huyệt Nghinh hương: giao điểm giữa chân cánh mũi kéo ra tới nếp mũi miệng. Đây là một trong những huyệt chuyên trị các bệnh lý của mũi.

– Có công dụng thông tỵ khiếu, trừ phong tán nhiệt, thông mũi khai khiếu, thanh khí hỏa. Bằng những thủ thuật day bấm huyệt Nghinh hương, đã điều trị có kết quả các bệnh lý về mũi như viêm mũi cấp và mạn tính, viêm mũi dị ứng,…

  • Day ấn huyệt Nghinh hương: Dùng hai ngón tay trỏ day bấm huyệt Nghinh hương trong 2 phút sao cho đạt cảm giác tê tức là được.

– Vị trí huyệt Tỵ thông: hay còn gọi là huyệt Thượng nghinh hương, ở chỗ tận cùng mút rãnh trên của nếp mũi má.

– Huyệt này còn có tên gọi là tỵ xuyên, là một kỳ huyệt thường được dùng để chữa các bệnh như Viêm mũi dị ứng, Trĩ mũi, Polyp mũi, Viêm mũi teo, Nghẹt mũi, Mất khứu giác

  • Day ấn huyệt Tỵ thông Gấp ngón tay cái, dùng mặt lưng của khớp giữa đốt 1 và đốt 2 day ấn huyệt Tỵ thông trong 2 phút sao cho tại chỗ nóng lên là được.

Dùng thuốc

  • Tại chỗ: nhỏ, xịt các dạng thuốc từ thảo dược như Đại bi, Cỏ ngũ sắc.
  • Toàn thân: dùng đường uống cũng có những bài thuốc cổ phương như Tân di tán, Thương nhĩ tử tán, Thông khiếu thang.